Câu hỏi:
Trước đây khi ông bà ngoại của tôi còn sống, ở cùng với bố mẹ tôi. ông bà ngoại cho bố mẹ tôi ngôi nhà trên diện tích đất 300m2. Nhưng việc tặng cho này không có giấy tờ gì. Ông ngoại tôi mất từ lâu, bà ngoại mất năm 1977. Sau khi bà ngoại mất, gia đình tôi chuyển đi nơi khác và đã nhờ bác tôi (chị gái của mẹ) trông nom nhà hộ. Một thời gian sau bác tôi xây dựng nhà mới trên nền nhà cũ. Hiện nay bác tôi đang đứng tên trong sổ địa chính xã và đóng thuế đất hàng năm. Bố tôi và tôi đã có ý kiến xin lại nhà nhưng bác tôi không trả lại, không thừa nhận việc tặng cho cũng như không thừa nhận đấy là di sản thừa kế của ông bà. Vì việc tặng cho nhà không có giấy tờ vậy gia đình tôi có còn quyền thừa kế đối với ngôi nhà đó không?
Trả lời:
Theo dữ kiện ông cung cấp thì ngôi nhà hiện nay bác ông đang sử dụng là trên diện tích đất của ông bà ngoại đã cho bố mẹ ông, nhưng ngôi nhà là do bác ông xây dựng mới, còn nhà cũ của ông bà đã bị phá nên chỉ còn quyền sử dụng đất là tài sản của ông bà đã cho. Nếu bác ông không đồng ý trả thì bố ông phải đưa ra cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Nhưng căn cứ dữ kiện ông nêu thì gia đình ông không đòi được nhà đất từ người bác vì các lý do sau:
- Trong trường hợp đòi tài sản được tặng cho: Nếu bố ông muốn đòi lại quyền sử dụng đất từ bác ông thì phải chứng minh các vấn đề sau: Có chứng cứ về việc ông bà ngoại tặng cho bố mẹ ông nhà đất, bố mẹ ông nhờ người bác trông nom nhà hộ. Nhưng vì việc tặng cho không có giấy tờ và việc giao nhà đất để trông nom quản lý hộ cũng không có văn bản nên không có căn cứ pháp luật để đòi tài sản đã giao cho người khác quản lý. Giả sử có giấy tờ về các giao dịch này thì chỉ còn quyền sử dụng đất là tài sản của bố mẹ ông còn ngôi nhà xây trên nền nhà cũ là của người bác nên bố ông vẫn phải có trách nhiệm thanh toán tiền xây dựng và trông nom quản lý tài sản cho người bác.
Mặt khác theo quy định của điểm b khoản 1 Điều 50 Luật đất đai năm 2003 quy định một trong những loại giấy tờ để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng là “có tên trong sổ địa chính”. Do đó, bác của ông là người sử dụng đất vì có tên trong sổ địa chính của xã, còn gia đình ông chuyển đi nơi khác ở từ năm 1977 nên không có tên trong sổ địa chính.
- Trong trường hợp yêu cầu Toà án chia thừa kế: Vì nguồn gốc đất là của ông bà ngoại. Ông bà ngoại có hai người con là mẹ ông và người bác (chị của mẹ). Ngôi nhà bà ngoại ông tạm coi là di sản thừa kế chưa chia. Vì ông bà mất không để lại di chúc nên việc chia thừa kế sẽ theo quy định của pháp luật. Theo quy định của điểm a khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự năm 1995
(1) thì bác ông và mẹ ông thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Kỷ phần thừa kế của mẹ ông sẽ trở thành di sản thừa kế của ông và bố ông - những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của mẹ. Vì ngôi nhà cũ đã bị phá chỉ còn lại quyền sử dụng đất. Căn cứ tiểu mục 1.2 phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình thì quyền sử dụng đất vẫn có thể là di sản thừa kế, “đối với trường hợp đất do người chết để lại mà người đó có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật đất đai năm 2003, thì kể từ ngày 01/7/2004 quyền sử dụng đất đó cũng là di sản không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế”. Nhưng diện tích nêu trên do người bác đứng tên trong sổ địa chính chứ không phải là ông bà ngoại nên không phải là di sản thừa kế.
Căn cứ điều 163 Bộ luật dân sự năm 1995
(2)quy định về thời hiệu như sau: " Thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn thì chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện". Do đó quyền thừa kế chỉ được thực hiện trong thời hiệu do pháp luật quy định.
Căn cứ dữ kiện ông cung cấp thì thời điểm ông bà của ông mất cuối cùng vào năm 1977. Căn cứ vào cách tính thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế đối với các trường hợp mở thừa kế trước ngày 01/7/1991 thì đã hết thời hiệu.
Điều 9 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH 10 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội ngày 20/8/1998 quy định nếu có yêu cầu chia di sản thừa kế thì chia theo quy định của pháp luật về thừa kế (tức là Pháp lệnh thừa kế ban hành năm 1990).
Mục IV Thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/01/ 1999 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Nghị quyết giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế tính đến hết ngày 10/3/2003.
Do đó, gia đình ông không còn quyền khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của ông bà ngoại nữa.
- Căn cứ Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP thì trong trường hợp các đồng thừa kế không có tranh chấp về di sản thừa kế, hàng thừa kế thì khi hết thời hiệu mà có tranh chấp thì Toà án sẽ áp dụng các quy định pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết mà không áp dụng quy định pháp luật về thời hiệu thừa kế.
Điểm a, tiểu mục 2.4 Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình quy định: “...sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết...”. Tuy nhiên, căn cứ dữ kiện ông nêu thì người bác không thừa nhận diện tích nhà đất này là di sản thừa kế và ông cũng chẳng có giấy tờ nào chứng minh đó là di sản thừa kế nên không thuộc trường hợp để áp dụng Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP.
-----------------------------------------------
(1) Điểm a khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005.(2) Điều 154 Bộ luật dân sự năm 2005: "Thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện vụ án dân sự, quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự".
Chúng tôi trên mạng xã hội