Đất ao có được chia thừa kế

Câu hỏi:
Năm 1980 bố tôi cùng với người anh trai của mình chung nhau mua một sào ao tổng giá trị là 1.100.000 đồng (phần của bố tôi là 800.000 đồng và của người anh là 300.000 đồng). Mua xong bố tôi không có điều kiện trực tiếp quản lý, sử dụng nên để cho người bác trông nom hộ. Đến năm 1993 khi có nhu cầu sử dụng thì bố tôi đã lấy lại phần diện tích đất ao mà bố tôi đã mua. Đầu năm 2004 bố tôi đột ngột qua đời, khi bố tôi mới qua đời thì bị con của người bác đã chiếm dụng phần đất ao của bố tôi. Trước việc làm của người anh này mẹ tôi đã nhờ Uỷ ban nhân dân xã giải quyết nhưng không đạt kết quả. Hỏi: diện tích phần ao của bố tôi có được coi là di sản thừa kế không? Hiện nay bố tôi đã mất thì ai là người có tư cách giải quyết việc này?
Trả lời:
Căn cứ khoản 2 Điều 637 Bộ luật dân sự(1) quy định về di sản thừa kế như sau: “Quyền sử dụng đất cũng thuộc di sản thừa kế và được để lại thừa kế theo quy định tại Phần thứ năm của Bộ luật này” và Điều 738 Bộ luật dân sự(2) quy định về thừa kế quyền sử dụng đất “từ người chết sang người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật phù hợp với quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai”.
Việc xác định quyền sử dụng phần đất ao của bố chị là di sản thừa kế phải căn cứ vào Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ngày 10/8/2004 hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình cụ thể tại tiểu mục 1.1 và 1.2 mục 1 phần II như sau:
“1.1. Đối với đất do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất) mà người đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật đất đai năm 1987, Luật đất đai năm 1993, Luật đất đai năm 2003 thì quyền sử dụng đất đó là di sản.
1.2. Đối với đất do người chết để lại mà người đó có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật đất đai năm 2003 thì kể từ ngày 01/7/2004 quyền sử dụng đất đó cũng là di sản không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế”.
Khoản 1, 2, 5 Điều 50 Luật đất đai năm 2003 quy định như sau:
“1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:
a. Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà Miền nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính;
c. Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất, giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất;
d. Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15/10/1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993;
đ. Giấy tờ về thanh lý, hoá giá nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định của pháp luật;
e. Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan, nhưng đến trước ngày luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp...
5. Hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Toà án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành...". 
Như vậy nếu diện tích ao phần của bố chị có một trong các loại giấy tờ như quy định nêu trên thì được coi là di sản thừa kế và được để lại cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật.
Hiện nay bố của chị đã mất nên những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất có tư cách để đòi lại di sản này. Cụ thể là mẹ của chị và các anh chị em của chị là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất quy định tại điểm a khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự(3).
Căn cứ khoản 2 Điều 637 Bộ luật dân sự quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.
Theo dữ kiện bà nêu thì cái ao này do bố của chị và người bác chung tiền mua vào năm 1980. Do đó, cái ao này là tài sản thuộc sở hữu chung của bố và bác theo quy định tại Điều 229 Bộ luật dân sự(4).
Điều 229 Bộ luật dân sự quy định: “Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản.
Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.
Tài sản thuộc sở hữu chung là tài sản chung”.
Vì bố của chị góp 800.000 đồng và người bác chỉ góp có 300.000 đồng trong tổng trị giá ao là 1.100.000 đồng, nên đây là tài sản chung theo phần theo quy định tại khoản 1 Điều 231 Bộ luật dân sự(5).
Khoản 1 Điều 231 Bộ luật dân sự quy định: “Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung”.
Vì hiện nay phần di sản này đang bị các con của bác chị chiếm dụng mà không được sự đồng ý của những người thừa kế là trái pháp luật, nên chị và các đồng thừa kế khác có quyền kiện đòi tài sản thừa kế.
----------------------------------------------------
(1) Bộ luật dân sự năm 2005 đã bỏ quy định này mà quyền để thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc hoặc theo pháp luật của cá nhân được quy định tại khoản 5 điều 113 Luật đất đai năm 2003.
(2) Điều 733 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Thừa kế quyền sử dụng đất là việc chuyển quyền sử dụng đất của người chết sang cho người thừa kế theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai".
(3) Điểm a khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005.
(4) Điều 214 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản.
Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.
Tài sản thuộc hình thức sở hữu chung là tài sản chung".
(5) Khoản 1 điều 216 Bộ luật dân sự năm 2005.

Bạn muốn tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website chúng tôi hoặc gọi tổng đài tư vấn 0909 160684 để được luật sư tư vấn trực tiếp.

Gọi 0909160684 hoặc gởi yêu cầu trực tuyến

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây