Câu hỏi:
Bà nội tôi có năm ngaười con và có một diện tích đất là 985m2 tại xã Uy Nỗ, Đông Anh. Các cô chú của tôi đã xây dựng gia đình và có chỗ ở ổn định ở nơi khác chỉ có mình bà tôi sống ở đây. Do tuổi cao, sức yếu nên năm 1996 bà tôi đã lập di chúc cho bố tôi (là con trai út) toàn bộ khối tài sản này. Nhưng chẳng may năm 1997 bố tôi lại qua đời đột ngột còn bà nội tôi mất năm 1998. Hiện nay, các cô chú của tôi đã yêu cầu mẹ tôi phải chia thừa kế tài sản của bà. Vậy tôi xin hỏi: di chúc của bà đã lập cho bố tôi có giá trị pháp lý không? Các cô chú tôi yêu cầu chia thừa kế có được không? Nếu phải chia thì sẽ chia như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ khoản 1 Điều 670 Bộ luật dân sự
(1) quy định về hiệu lực của di chúc như sau: “Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế”. Khoản 1 Điều 636 Bộ luật dân sự
(2) quy định: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết”.
Căn cứ dữ kiện nêu trên chúng tôi xác định thời điểm mở thừa kế là năm 1998 là thời điểm bà nội của ông mất. Vì bà nội có để lại di chúc nên tuy bà lập di chúc để lại tài sản cho bố vào năm 1996 (tức là lúc bố đang còn sống), nhưng lúc đó di chúc chưa có hiệu lực pháp luật, còn đến khi di chúc có hiệu lực pháp luật (vào năm 1998) thì bố ông đã chết (vào năm 1997). Do đó, căn cứ khoản 1 Điều 638 Bộ luật dân sự
(3) quy định: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế...” thì bố ông không còn quyền thừa kế. Mặt khác theo quy định tại khoản 2 Điều 670 Bộ luật dân sự
(4) thì: “Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần khi người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc”. Do đó, phần di chúc mà bà lập để định đoạt toàn bộ khối tài sản cho bố ông không phát sinh hiệu lực pháp luật.
Căn cứ điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 678 Bộ luật dân sự
(5) thì trường hợp thừa kế theo pháp luật được áp dụng khi: “Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc...” và “Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ... chết trước người lập di chúc”.
Như vậy, trong trường hợp này việc chia thừa kế sẽ không theo di chúc của bà nội lập năm 1996 mà chia theo quy định của pháp luật về thừa kế và người thừa kế sẽ được xác định theo hàng thừa kế chứ không phải theo di chúc.
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự
(6) quy định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: “Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Như vậy, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà nội ông gồm: bố ông cùng các cô chú của ông. Nhưng vì bố của ông đã chết trước thời điểm bà nội chết nên theo quy định tại Điều 680 Bộ luật dân sự
(7) thì ông và các anh chị em của ông (nếu có) được xác định là những người thừa kế thế vị và được hưởng kỷ phần mà bố ông được hưởng nếu còn sống.
Điều 680 Bộ luật dân sự quy định: “Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản, thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng đã chết trước người để lại di sản, thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”. Theo quy định tại khoản 2 Điều 679 Bộ luật dân sự
(8) quy định: “Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”. Do vậy, khối tài sản của bà nội để lại sẽ được chia thành năm phần bằng nhau và các anh chị em của ông sẽ được hưởng một phần năm (1/5).
-------------------------------------------------
(1) Khoản 1 điều 667 Bộ luật dân sự năm 2005.(2) Điều 633 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp toà án tuyên bố 1 người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 điều 81 của Bộ luật này.2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ hoặc phần lớn di sản".(3) Điều 635 Bộ luật dân sự năm 2005.(4) Khoản 2 điều 667 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Di chúc không có hiệu lực pháp luật toàn bộ hoặc 1 phần trong các trường hợp sau đây:a. Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc;b. Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế.Trong trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc, 1 trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực pháp luật”.(5) Điểm c khoản 1, điểm c khoản 2 điều 675 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:c. Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế”.(6) Điểm a khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005.(7) Điều 677 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng 1 thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống".(8) Khoản 2 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005.
Chúng tôi trên mạng xã hội