Câu hỏi:
Cha mẹ chúng tôi mất đi có để lại cho các con tài sản là ngôi nhà. Chúng tôi thoả thuận để người em quản lý và đứng tên ngôi nhà. Nhưng người em đã thế chấp ngân hàng số tiền là 350 triệu đồng để sử dụng riêng. Hỏi: việc thế chấp nhà của cha mẹ để lại có phải có đủ chữ ký những người đồng thừa kế không? Vậy tôi phải làm đơn ở nơi nào cho phù hợp và điều nào của Bộ luật dân sự quy định cấm thế chấp nhà cửa không có chữ ký của những người đồng thừa kế?
Trả lời:
Trong trường hợp cha mẹ mất mà không có di chúc thì ngôi nhà là di sản thừa kế của bố mẹ để lại cho những người đồng thừa kế. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự
(1) thì ông và người em là những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất và có quyền tài sản ngang nhau đối với di sản (căn nhà) do cha mẹ để lại.
Hiện tại căn nhà đó chưa được chia và theo thoả thuận của hai anh em của ông thì ngôi nhà sẽ do người em quản lý và đứng tên. Căn cứ khoản 1 Điều 641 Bộ luật dân sự
(2) quy định: “Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thoả thuận cử ra”. Trong trường hợp này người em được xác định là người quản lý di sản chứ không phải chủ sở hữu ngôi nhà.
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 642 Bộ luật dân sự
(3) quy định nghĩa vụ của người quản lý di sản như sau: “Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản”. Như vậy, trong trường hợp người em tự ý đem ngôi nhà đi thế chấp là trái quy định của điều này và xâm phạm đến quyền lợi của ông.
Để bảo vệ quyền tài sản của mình bị xâm phạm, ông có thể kiện ra Toà án nhân dân yêu cầu huỷ giao dịch thế chấp đó nhưng ông phải chứng minh việc người em đứng tên ngôi nhà chỉ là theo thoả thuận của hai anh em. Ngoài ra ông có quyền yêu cầu Toà án chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Việc yêu cầu chia thừa kế chỉ được thực hiện trong thời hạn mười năm kể từ thời điểm bố mẹ của ông mất theo quy định tại Điều 648 Bộ luật dân sự
(4).
Điều 648 Bộ luật dân sự quy định: “Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là mười năm kể từ thời điểm mở thừa kế”.Nếu hai anh em của ông đều thống nhất ngôi nhà này là tài sản chung và chưa chia thì theo quy định tại khoản 1 Điều 232 Bộ luật dân sự
(5) đây là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất.
Khoản 1 Điều 232 Bộ luật dân sự quy định: “Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu không được xác định đối với tài sản chung.Sở hữu chung hợp nhất bao gồm sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không phân chia”. Nên việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung đó phải tuân theo quy định tại khoản 2 Điều 237 Bộ luật dân sự
(6): “Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các chủ sở hữu chung...”.
Do đó, trong trường hợp người em tự định đoạt ngôi nhà đó một mình cũng là trái với quy định này và ông cũng có quyền yêu cầu Toà án tuyên huỷ giao dịch thế chấp và đề nghị chia tài sản thuộc sở hữu chung này theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu ngôi nhà là tài sản chung của hai anh em thì cả hai anh em của ông sẽ cùng đứng tên sở hữu ngôi nhà với tư cách là những đồng sở hữu chung.
--------------------------------------------
(1) Điểm a khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005.(2) Khoản 1 điều 638 Bộ luật dân sự năm 2005.(3) Điểm b khoản 1 điều 639 Bộ luật dân sự năm 2005.(4) Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế".(5) Khoản 1 điều 217 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu không được xác định đối với tài sản chung.Sở hữu chung hợp nhất bao gồm sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không phân chia".(6) Khoản 2 điều 223 Bộ luật dân sự năm 2005.
Chúng tôi trên mạng xã hội