Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất

Câu hỏi:
Gia đình tôi có mảnh vườn của tổ tiên để lại cho ông bà tôi sử dụng, xung quanh vườn trồng tre (hiện vẫn còn 2 bụi ở phía Tây). Có 1 thời gian ông nội tôi cho hợp tác xã mượn để thả bèo hoa dâu (từ 1963-1965), làm lớp học sơ tán cho trường cấp III B huyện Đông Anh (từ 1965-1971). Từ năm 1971 đến 1986 gia đình tôi lấy đất vườn để đóng gạch lâu dần thành ao. Ông bà tôi chia cho bố tôi cái ao này để thả bèo, nuôi cá. Năm 1982 ông tôi mất, bà tôi mất năm 1986. Cũng năm 1986 khi ông V- cán bộ địa chính xã đi đo đất thổ cư để lập bản đồ 299 không biết cái ao này của nhà ai đã tạm ghi là của "tập thể". Năm 1990 ông Q chiếm cái ao của gia đình tôi. Năm 1996 ông Q đã được đứng tên trong bản đồ địa chính đối với diện tích cái ao của nhà tôi và cái ao liền kề mặc dù UBND xã cũng thừa nhận cái vườn có nguồn gốc là của ông nội tôi và ông Q không hề có giấy tờ hợp pháp về việc sử dụng đất. Đến cuối năm 2004 ông Q đã xây tường bao quanh hai cái ao để đổ đất san lấp ao chỉ chừa lại hai bụi tre trên đất ở phía Tây thửa vườn. Hiện nay chúng tôi có các xác nhận về việc hợp tác xã mượn đất của ông tôi cho tập thể sử dụng, có cả xác nhận của người cán bộ địa chính đã ghi nhầm cái ao của gia đình tôi là ao tập thể. Hỏi: Căn cứ pháp luật nào để toà án giải quyết việc đòi lại cái vườn của ông nội tôi vì đất này chưa được cấp sổ đỏ, chúng tôi không có bất cứ 1 giấy tờ gì về việc sử dụng đất, nếu tính về thời hiệu thừa kế thì ông bà tôi đã mất được 20 năm rồi?
Trả lời:
Căn cứ dữ kiện anh nêu ông bà anh mất không để lại di chúc nên theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 678 Bộ luật dân sự năm 1995(1) di sản thừa kế của ông bà anh sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Căn cứ điểm a khoản 1 điều 679 Bộ luật dân sự quy định năm 1995(2): "Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết". Do đó các con của người chết (tức là bố và các cô chú của anh) sẽ là những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông bà nội anh và được hưởng di sản.
Căn cứ tiểu mục 2.1 mục 2 phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình quy định: "Quyền thừa kế quy định tại khoản 1 điều 36 Pháp lệnh thừa kế năm 1990, điều 648 Bộ luật dân sự năm 1995 bao gồm quyền yêu cầu chia di sản thừa kế, quyền yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc quyền yêu cầu bác bỏ quyền thừa kế của người khác". Nên những người con của ông nội anh có quyền yêu cầu toà án xác nhận quyền thừa kế của họ đối với quyền sử dụng  mảnh vườn để có cơ sở đòi lại di sản này. Yêu cầu này là cần thiết vì trên bản đồ 299 lập năm 1986 thì mảnh vườn của ông nội anh (lúc đó đã thành ao) lại được ghi là "tập thể", còn theo bản đồ 364 lập năm 1996 thì mảnh vườn này không còn nữa vì đã bị nhập chung vào thửa 80 (cùng với diện tích cái ao liền kề do ông Q người cùng thôn chiếm năm 1990) và do ông Q đứng tên.
 Cũng theo quy định tại điều 648 Bộ luật dân sự năm 1995 (3)thì "Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế". Vì ông bà nội anh đã mất cách đây 20 năm nên những người thừa kế chỉ có thể khởi kiện tại toà án nếu thuộc trường hợp không cần áp dụng các quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện liên quan đến thừa kế quy định tại điểm a tiểu mục 2.4 mục 2 phần I Nghị quyết số 02 như sau: "Trường hợp trong thời hạn 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung…".
Căn cứ dữ kiện anh nêu vì những người con của ông nội anh không có tranh chấp với nhau liên quan đến việc sử dụng mảnh vườn này mà chỉ có tranh chấp với ông Q là người ngoài, nên mảnh vườn này trở thành tài sản chungcủa những đồng thừa kế và họ có quyền khởi kiện ông Q để đòi lại theo quy định tại điểm b tiểu mục 2.4 mục 2 phần I Nghị quyết số 02 như sau:"Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữụ bất hợp pháp…thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản".
Căn cứ điều 161 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 quy định về quyền khởi kiện vụ án dân sự như sau: " Cá nhân… có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình".
Căn cứ khoản 5 điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 quy định toà án nhân dân có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự như "Tranh chấp về thừa kế tài sản".
Khi khởi kiện tại toà án những vấn đề mà những đồng thừa kế cần chứng minh trước toà bao gồm:
- Thứ nhất: Chứng minh cái vườn này không bị tập thể quản lý (tức là chưa vào hợp tác xã) thời kỳ trước khi lập hệ thống bản đồ 299 năm 1986.
Vì điều 634 Bộ luật dân sự năm 1995 quy định(4): "Cá nhân có quyền …để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật …" nên các đồng thừa kế cần phải chứng minh mảnh vườn là tài sản của ông bà nội anh và không bị tập thể quản lý căn cứ vào các xác nhận của những nhân chứng lịch sử về việc hợp tác xã mượn đất của ông nội anh cho tập thể sử dụng và xác nhận của ông V nguyên là cán bộ địa chính người đã ghi nhầm cái ao của gia đình anh là ao tập thể. Các xác nhận này được coi là chứng cứ để chứng minh việc tập thể mượn đất của ông nội anh vì theo quy định tại điều 81 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 thì " Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho toà án ….. mà toà án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu …của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không…". Nếu cần thiết toà án có thể triệu tập những người xác nhận này tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng.
Thứ hai: Chứng minh quyền sử dụng đất vườn là di sản để được áp dụng quy định của pháp luật về chia tài sản chung (tức là không áp dụng quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện về chia thừa kế).
Vấn đề tiếp theo mà các đồng thừa kế cần phải chứng minh quyền sử dụng mảnh vườn là di sản do ông bà nội anh để lại để được áp dụng điểm a tiểu mục 2.4 mục 2 phần I Nghị quyết số 02 - là quy định về không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế bởi vì kể từ thời điểm ông bà nội của anh mất đến nay thì đã hết thời hiệu khởi kiện liên quan đến thừa kế.
Căn cứ tiểu mục 1.3 mục 1 phần II Nghị quyết số 02 quy định: "Trong trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có 1 trong các loại giấy tờ quy định tại tiểu 1.1 và 1.2 mục 1 này nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác hoặc trên đất có tài sản khác (như: cây lấy gỗ, cây lấy lá, cây ăn quả, cây công nghiệp hay các cây lâu năm khác)" thì quyền sử dụng đất cũng được xác định là di sản. Vì trên phần đất ở phía Tây mảnh vườn trước kia (ngoài bức tuờng mà ông Q xây) vẫn còn hai bụi tre do ông bà nội anh trồng (là cây lâụ năm) nên quyền sử dụng thửa vườn được xác định là "di sản thừa kế". Nhưng trong trường hợp này các đồng thừa kế không yêu cầu chia di sản thừa kế mà chỉ yêu cầu đòi lại di sản thừa kế này do ông Q đang chiếm hữu theo quy định tại điểm b tiểu mục 2.4 mục 2 phần I Nghị quyết số 02 nêu trên.
Tiểu mục 1.1 và 1.2 mục 1 phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình quy định: 
"1.1. Đối với đất do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất) mà người đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 thì quyền sử dụng đất đó là di sản.
1.2. Đối với trường hợp đất do người chết để lại mà người đó có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1,2 và 5 điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, thì kể từ ngày 01/7/2004 quyền sử dụng đất đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế".
Thứ ba: Chứng minh việc sử dụng đất của ông Q là không hợp pháp tức là chứng minh ông Q không được Nhà nước giao đất để sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai thời điểm năm 1990.
Theo dữ kiện anh nêu thì từ năm 1990 ông Q đã chiếm sử dụng cái ao và năm 1996 đã được đứng tên trong bản đồ địa chính. Do vậy các đồng thừa kế cần phải chứng minh ông Q chiếm hữu sử dụng trái phép đối với diện tích vườn có nguồn gốc của ông bà nội anh vì căn cứ khoản 2 điều 10 Luật đất đai năm 2003 quy định: "Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước…".
Căn cứ điều 1 Luật đất đai năm 1987 (5)quy định: "Nhà nước giao đất cho …cá nhân -dưới đây gọi là người sử dụng đất -để sử dụng ổn định lâụ dài.
Người đang sử dụng đất hợp pháp được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật này".
Vì Uỷ ban Nhân dân xã nơi có đất tranh chấp cũng thừa nhận cái vườn có nguồn gốc là của ông nội anh và ông Q không hề có giấy tờ hợp pháp về việc sử dụng đất nên thuộc trường hợp quy định tại điểm b tiểu mục 2.4 mục 2 phần I Nghị quyết là quyền sử dụng mảnh vườn này là di sản "do người khác chiếm hữu bất hợp pháp". Do đó việc ông Q được đứng tên trong hệ thống bản đồ 364 của xã Vân Nội lập năm 1996 là không đúng quy định tại khoản 1 điều 33 Luật đất đai năm 1993(6) vì không phải là "người đang sử dụng đất" theo quy định tại điều này (tức là không được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất cho sử dụng).
Khoản 1 điều 33 Luật đất đai năm 1993 quy định: "Khi được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho phép thay đổi mục đích sử dụng đất hoặc đang sử dụng đất mà chưa đăng ký thì người sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan Nhà nước có quy định tại khoản 2 điều này.
Người đang sử dụng đất tại xã, phường, thị trấn nào thì phải đăng ký tại xã, phường, thị trấn đó".
            Tóm lại: Sau khi được Toà án công nhận quyền sử dụng mảnh đất vườn của ông nội là di sản thì những người con của ông nội có quyền yêu cầu ông Q là người đang chiếm hữu trái phép diện tích này trả lại di sản.
----------------------------------------------
(1) Điểm a khoản 1 điều 674 Bộ luật dân sự năm 2005.
(2) Điểm a khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005.
(3) Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế".
(4) Điều 631 Bộ luật dân sự năm 2005.
(5) Khoản 4 điều 5 Luật đất đai năm 2003.
(6) Điều 46 Luật đất đai năm 2003.

Bạn muốn tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website chúng tôi hoặc gọi tổng đài tư vấn 0909 160684 để được luật sư tư vấn trực tiếp.

Gọi 0909160684 hoặc gởi yêu cầu trực tuyến

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây