Câu hỏi:
Năm 1995 hai vợ chồng tôi ly hôn (chồng tôi tên là D), chúng tôi thoả thuận chồng tôi ở lại căn nhà do 2 vợ chồng xây trên đất bố mẹ chồng cho năm 1991. Việc bố mẹ cho đất có giấy tờ và có chữ ký của các anh chị em chồng. Chúng tôi có một con gái chung còn bé và ở với tôi. Năm 2000 anh D chết (lúc này cũng đã có một con khác với chị M không có đăng ký kết hôn) và cuối năm 2001 mẹ của anh D cũng qua đời. Năm 2002 em ruột của anh D (là anh L) đã chiếm toàn bộ căn nhà này và tháng 10/2003 đã tự ý phá ngôi nhà đi để xây nhà mới. Tôi đã làm đơn gửi ra phường khiếu nại việc anh L chiếm tài sản thừa kế của con tôi. Uỷ ban nhân dân phường đã chuyển hồ sơ đến Toà án quận Đống Đa đề nghị giải quyết cho con tôi được hưởng thừa kế. Toà án yêu cầu phường phải xác nhận anh D đã có quyền sử dụng đối với nhà đất trên nhưng phường không xác nhận với lý do đây là đất do hợp tác xã nông nghiệp chia cho bố mẹ chồng tôi. Hỏi: con gái tôi có được hưởng thừa kế là căn nhà của bố cháu không? Tôi phải làm gì để con gái tôi về ở ngôi nhà của bố cháu để tiếp tục học tập?
Trả lời:
Căn cứ dữ kiện chị cung cấp chúng tôi xác định diện tích đất trên có nguồn gốc là của hợp tác xã chia cho bố mẹ chồng chị để làm nhà ở từ năm 1983. Năm 1991 bố mẹ cho vợ chồng chị diện tích này, việc cho được lập thành văn bản và có các chữ ký của bố mẹ và các anh em chồng. Căn cứ Điều 1 Pháp lệnh hợp đồng dân sự ban hành năm 1991 quy định: “Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên trong mua bán, thuê, vay mượn, tặng cho tài sản”. Như vậy giấy tờ thể hiện việc bố mẹ chồng chị cho vợ chồng đất làm nhà được coi là một hợp đồng về tặng cho tài sản. Khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh hợp đồng dân sự quy định: “Hợp đồng có hiệu lực có từ thời điểm giao kết, nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác”. Căn cứ vào giấy tờ cho đất có chữ ký của bố mẹ chồng và các thành viên khác trong gia đình nhà chồng thì diện tích đất mà vợ chồng chị được cho là tài sản của hai vợ chồng. Sau đó vợ chồng chị đã bỏ tiền xây dựng căn nhà trên đó và là tài sản của chung của hai vợ chồng tuy diện tích đất vẫn mang tên bố mẹ chồng chị trong sổ địa chính (vì có nguồn gốc là đất do hợp tác xã nông nghiệp chia cho bố mẹ chồng).
Năm 1995 vợ chồng chị ly hôn, tuy diện tích đất vẫn đứng tên bố mẹ chồng nhưng trên đó có căn nhà là tài sản chung của hai vợ chồng và hai người đã tự thoả thuận về tài sản cụ thể là chị để lại cho anh D sử dụng căn nhà cho nên Toà án đã chấp nhận sự thoả thuận này bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật. Gia đình nhà chồng chị cũng không có tranh chấp gì về diện tích đất này. Anh D đã ở tại căn nhà này cho đến năm 2000 thì mất.
Căn cứ khoản 5 Điều 50 Luật đất đai năm 2003 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Toà án nhân dân... thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật”.
Vì căn nhà là tài sản riêng của anh D nên khi anh D mất đi thì tài sản này trở thành di sản thừa kế của những người thừa kế theo pháp luật của anh D (vì anh D mất đi không để lại di chúc). Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự
(1) thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của anh D bao gồm: con chung của chị với anh D và con của anh D với chị M. Vì chị M không có đăng ký kết hôn với anh D nên không thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật.
Vì cả hai người con của anh D đều dưới 18 tuổi nên theo quy định tại Điều 150 Bộ luật dân sự
(2) quy định về người đại diện theo pháp luật (cụ thể là cha mẹ đối với con chưa thành niên) thì chị và chị M được xác định là người đại diện cho hai cháu bé.
Điều 150 Bộ luật dân sự quy định: “Người đại diện theo pháp luật bao gồm:
1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
2. Người giám hộ đối với người được giám hộ;
3. Người được Toà án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
4. Người đứng đầu pháp nhân theo quy định của điều lệ pháp nhân hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
5. Chủ hộ gia đình đối với hộ gia đình;
6. Tổ trưởng tổ hợp tác đối với tổ hợp tác;
7. Những người khác theo quy định của pháp luật”.
Căn cứ Điều 153 Bộ luật dân sự
(3) quy định phạm vi thẩm quyền đại diện thì chị và chị M “có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện” và có thể tham gia tố tụng tại Toà án để yêu cầu anh L phải trả lại căn nhà là di sản thừa kế.
Điều 153 Bộ luật dân sự quy định: “Phạm vi thẩm quyền đại diện1. Người đại diện theo pháp luật có thẩm quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định khác.2. Phạm vi đại diện theo uỷ quyền được xác lập theo văn bản uỷ quyền.3. Người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi thẩm quyền đại diện.4. Người đại diện phải thông báo cho người thứ ba trong giao dịch dân sự biết về phạm vi thẩm quyền đại diện của mình.5. Người đại diện không được thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc người thứ ba mà mình cũng là đại diện của người đó”.-----------------------------------------------
(1) Điểm a khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005.(2) Điều 141 Bộ luật dân sự năm 2005.(3) Điều 144 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "1. Người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.2. Phạm vi đại diện theo uỷ quyền được xác lập theo sự uỷ quyền.3. Người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.4. Người đại diện phải thông báo cho người thứ ba trong giao dịch dân sự biết về phạm vi đại diện của mình.5. Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".
Chúng tôi trên mạng xã hội