Người bị tuyên bố mất tích có quyền hưởng thừa kế không ?

Câu hỏi:
Mẹ tôi lấy hai chồng: một chồng là bố của tôi đã mất từ lâu và sinh được hai con (tôi và một em trai tôi đi kinh tế mới tại Lâm Đồng từ năm 1998 đến nay không có tin tức gì đã được Toà án huyện Đông Anh làm thủ tục thông báo mất tích theo quy định của pháp luật). Sau khi bố tôi mất thì mẹ tôi được hợp tác xã đổi đất cho từ năm 1974 trên có 1 căn nhà cấp 4. Chồng thứ hai lấy sau khi bố tôi mất cũng có với mẹ tôi hai người con, ngoài ra lại còn con với người vợ trước đã mất. Người chồng sau của mẹ tôi đang sử dụng căn nhà trên diện tích 575m2 đất của bố mẹ cho trước khi lấy mẹ tôi. Mẹ tôi mất năm 1998 không để lại di chúc. Ngôi nhà trên đất của mẹ tôi hiện do một người em cùng mẹ khác cha với tôi đang quản lý sử dụng, còn tôi đi lấy chồng chưa được mẹ cho đất. Vậy nếu tôi yêu cầu chia thừa kế thì di sản thừa kế của mẹ tôi được xác định như thế nào? Người em ruột bị mất tích của tôi có quyền được hưởng di sản thừa kế của mẹ tôi không? Ai là người quản lý phần của người em này?Nay tôi đã già nếu đưa ra toà giải quyết mà tôi không may bị chết khi toà án chưa giải quyết xong thì giải quyết thế nào?
Trả lời:
Căn cứ điều 634 Bộ luật dân sự năm 1995 (1) quy định: " Cá nhân có quyền ...hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật". Như vậy bà cũng có quyền được hưởng thừa kế đối với di sản thừa kế do mẹ bà để lại.
- Thứ nhất, cần xác định về di sản thừa kế của mẹ bà:
Căn cứ điều 14 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định: " Tài sản chung vợ chồng gồm tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra...trong thời kỳ hôn nhân". Vì căn nhà cấp 4 trên quyền sử dụng đất mà mẹ bà được Hợp tác xã đổi cho năm 1974 (trước khi lấy người chồng thứ 2) nên không phải là tài sản chung vợ chồng với người chồng thứ hai mà bà tài sản riêng của mẹ bà.
Năm 1998 mẹ bà mất nên căn cứ điều 637 Bộ luật dân sự năm 1995 (2) quy định: "1. Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác; 2. Quyền sử dụng đất cũng thuộc di sản thừa kế và được để lại thừa kế theo quy định tại Phần thứ năm của Bộ luật này"
Nên toàn bộ diện tích nhà, đất này là di sản thừa kế của mẹ bà để lại cho những người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thứ nhất (vì mẹ bà mất không có di chúc).
- Thứ hai, cần xác định những người thừa kế của mẹ bà.
Vì mẹ bà mất không có di chúc nên tài sản của mẹ được chia theo quy định của pháp luật. Cụ thể tại điểm a khoản 1 và khoản 2 điều 679 Bộ luật dân sự(3) quy định:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;...
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”.
Như vậy, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của mẹ bà bao gồm: bà, người em ruột bị mất tích của bà, người chồng sau, hai người con riêng của mẹ bà với người chồng sau (trong đó có một người đang sử dụng toàn bộ diện tích nhà đất của mẹ bà). Những người này được hưởng phần di sản bằng nhau.
Thứ ba: Quyền lợi của người em bị xác định là mất tích.
Căn cứ dữ kiện bà nêu, người em trai của bà đi làm ăn tại khu kinh tế mới không có tin tức đã được Toà án nhân dân huyện Đông Anh làm thủ tục thông báo mất tích theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Bộ luật dân sự(4)quy định: “Khi một người đã biệt tích hai năm mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án có thể tuyên bố người đó mất tích”.
Tuy nhiên quyền lợi của người này vẫn được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 89 Bộ luật dân sự(5) cụ thể: Toà án sẽ chỉ định người thân thích của người mất tích quản lý tài sản của người mất tích.
Trong trường hợp này thì bà được xác định là người thân thích của em trai bà (vì là chị em ruột cùng một cha mẹ đẻ ra) nên bà sẽ là người quản lý kỷ phần thừa kế của em bà.
Căn cứ khoản 2 Điều 90 Bộ luật dân sự(6) quy định: “Người bị tuyên bố mất tích trở về được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển giao, sau khi đã thanh toán chi phí quản lý”. Sau này nếu người em này trở về thì bà hoặc những người có nghĩa vụ quản lý tài sản đó có trách nhiệm chuyển giao lại sau khi đã được thanh toán chi phí quản lý (nếu có yêu cầu).
- Quyền khởi kiện yêu cầu toà án chia di sản thừa kế và quyền kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng.
Căn cứ điều 648 Bộ luật dân sự năm 1995 (7) quy định: " Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế", nên bà có quyền khởi kiện tại Toà án nhân dân nơi có di sản thừa kế để yêu cầu chia khối di sản thừa kế của mẹ bà để lại với tư cách là Nguyên đơn, còn Bị đơn là người em cùng mẹ khác cha với bà đang quản lý sử dụng di sản thừa kế. Gỉa sử trong khi toà án đang giải quyết mà bà mất thì căn cứ điều 27 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 ( khoản 1 điều 62 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004(8) ) quy định về sự kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng nếu đương sự chết như sau: " Nếu đương sự chết mà quyền và nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng" nên các con của bà sẽ là người thay thế vào tư cách Nguyên đơn của bà.
------------------------------------------------
(1) Điều 636 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật".
(2) Điều 634 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác"
- Khoản 2 điều 637 Bộ luật dân sự năm 1995:  Bộ luật dân sự năm 2005 không quy định vấn đề này mà quyền để thừa kê quyền sử dụng đất theo di chúc hoặc theo pháp luật được quy định tại khoản 5 điều 113 Luật đất đai năm 2003.
(3) Khoản 1, 2 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: 
"1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b. Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; 
c. Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau".
(4) Khoản 1 điều 78 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Khi 1 người biệt tích 2 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, toà án có thể tuyên bố người đó mất tích. Thời hạn 2 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo của năm có tin tức cuối cùng".
(5) Điều 79 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cứ trú quy định tại khoản 1 điều 75 của Bộ luật này tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị toà án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại điều 76 và điều 77 của Bộ luật này.
Trong trường hợp toà án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con đã thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì toà án chỉ định người khác quản lý tài sản".
(6) Khoản 2 điều 80 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Người bị tuyên bố mất tích trở về được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển giao sau khi đã thanh toán chi phí quản lý".
(7) Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế".
(8)Khoản 1 điều 62 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 quy định: "Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng".

Bạn muốn tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website chúng tôi hoặc gọi tổng đài tư vấn 0909 160684 để được luật sư tư vấn trực tiếp.

Gọi 0909160684 hoặc gởi yêu cầu trực tuyến

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây