Thời gian từ chối nhận di sản

Câu hỏi:
Cha tôi vừa qua đời đột ngột không để lại di chúc, cha mẹ tôi có tài sản là một ngôi nhà do cả hai người cùng đứng tên. Bố mẹ chúng tôi có năm người con nhưng đều ở xa. Nay chúng tôi muốn để mẹ tôi đứng tên ngôi nhà thì có phải được sự đồng ý của tất cả những người con hay không? Bởi vì điều kiện của chúng tôi không thể tập trung về để giải quyết được. Vậy pháp luật có quy định về thời hiệu để họp thoả thuận về vấn đề này không?
Trả lời:
Căn cứ dữ kiện bà cung cấp căn nhà trên thuộc quyền sở hữu chung của cha mẹ bà theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận”.
Như vậy, một nửa căn nhà thuộc quyền sở hữu của cha bà. Nhưng vì người cha chết không để lại di chúc nên theo điểm a khoản 1 Điều 678 Bộ luật dân sự(1) quy định trường hợp không có di chúc thì phần di sản của người cha sẽ được chia theo pháp luật.
Khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự(2) quy định: “Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.
Do đó mẹ bà và các anh em bà là những người thừa kế theo pháp luật sẽ được quyền hưởng phần di sản của người cha. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 684 Bộ luật dân sự(3) thì sau khi có thông báo về việc mở thừa kế thì những người thừa kế phải họp mặt để thoả thuận về “cách thức phân chia di sản”. Tuy nhiên, theo dữ kiện bà cung cấp thì anh em bà không muốn phân chia khối di sản này, hiện nay lại đang ở xa, nên muốn để mẹ bà đứng tên ngôi nhà thì có thể vận dụng Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về hướng dẫn pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự hôn nhân gia đình cụ thể như sau:
Theo quy định tại điểm a tiểu mục 2.4 phần I của Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP, các anh chị em của bà với tư cách là các đồng thừa kế có văn bản cùng thoả thuận để cho mẹ bà được đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất. Đồng thời trong văn bản đó cũng phải nói rõ là các đồng thừa kế không có tranh chấp gì về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản thừa kế do bố chị để lại. Và vì điều kiện ở xa thì văn bản này có thể chuyển cho các đồng thừa kế để ký mà không cần phải họp mặt mà chỉ thống nhất bằng việc ký vào Biên bản này. Sau đó Biên bản này chuyển về cho mẹ của bà để làm thủ tục sang tên.
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 50 Luật đất đai năm 2003 thì Biên bản thoả thuận của các đồng thừa kế được coi là giấy tờ hợp lệ về đất ở để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Điểm c khoản 1 Điều 50 Luật đất đai năm 2003: 
“1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:
c. Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất”.
-----------------------------------------------------
(1) Điểm a khoản 1 điều 675 Bộ luật dân sự năm 2005.
(2) Khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b. Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; 
c. Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại".
(3) Điểm b khoản 1 điều 681 Bộ luật dân sự năm 2005.

Bạn muốn tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website chúng tôi hoặc gọi tổng đài tư vấn 0909 160684 để được luật sư tư vấn trực tiếp.

Gọi 0909160684 hoặc gởi yêu cầu trực tuyến

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây