Tranh chấp quyền sử dụng - bản án Hiền - Thương

Thứ tư - 16/09/2015 23:36
Trong ngày 05 tháng 10 năm 2012 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Củ Chi xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 393/2011/TLST-DS ngày 14 tháng 10 năm 2011 về tranh chấp quyền sử dụng đất theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 413/2012/QĐST-DS ngày 28 tháng 9 năm 2012
Mục lục
 
NHÂN DANH

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CỦ CHI
                         Với thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có:
-Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Trương Văn Thắm.
           -Các Hội thẩm nhân dân:
                                                            1-Ông Nguyễn Ngọc Cảnh.
                                                            2-Ông Thái Văn Sơn.
           -Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Ông Lê Thanh TrangCán bộ Tòa án nhân dân huyện Củ Chi.
           -Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Củ Chi tham gia phiên tòa: Ông Nguyễn Văn Huyện – Kiểm sát viên.
  Trong ngày 05 tháng 10 năm 2012 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Củ Chi xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 393/2011/TLST-DS ngày 14 tháng 10 năm 2011 về tranh chấp quyền sử dụng đất theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 413/2012/QĐST-DS ngày 28 tháng 9 năm 2012 giữa các đương sự:
 
-Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Hiền, sinh năm: 1929.
   Địa chỉ:  Ấp 1, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn Xạt, sinh năm 1950, địa chỉ: ấp Hội Thạnh, xã Trung An, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn (văn bản ủy quyền ngày 25/11/2011).
-Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Thương, sinh năm: 1929 (chết ngày 09/7/2009).
            Những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Nguyễn Văn Thương gồm:
            1/Bà Nguyễn Thị Ẻn, sinh năm: 1930.
Địa chỉ: Số 35C, tổ 2, ấp Hội Thạnh, xã Trung An, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.   
2/Ông Nguyễn Văn Sanh, sinh năm: 1973.
Địa chỉ: Số 35C, tổ 2, ấp Hội Thạnh, xã Trung An, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.   
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Văn Sanh: Ông Lê Văn Khải – Luật sư của Văn phòng luật sư Lê Văn Khải, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh.
3/Bà Nguyễn Thị Ngợi, sinh năm: 1968.
Địa chỉ: Số 35C, tổ 2, ấp Hội Thạnh, xã Trung An, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.   
4/Bà Nguyễn Thị Ơi, sinh năm: 1964.
 5/Ông Nguyễn Văn Dị, sinh năm: 1963.
Cùng địa chỉ: 20, đường 126, tổ 9, ấp 12, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.
6/Bà Nguyễn Thị Nhớ, sinh năm: 1956.
Địa chỉ: Ấp Phú Lợi, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1/Ông Đặng Văn Bê, sinh năm: 1964.
2/Bà Đoàn Thị Xả, sinh năm: 1974.
Cùng địa chỉ: Số 35, tổ 2, ấp Hội Thạnh, xã Trung An, huyện Củ Chi, thành phố  Hồ Chí Minh.   
            3/Ông Nguyễn Văn Tại, sinh năm: 1964.
4/Bà Võ Thị Thu Hà, sinh năm: 1965.
Cùng địa chỉ: Ấp 12, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.
5/Ông Đỗ Văn Cường, sinh năm: 1943.
Địa chỉ: Ấp Phú Lợi, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.
NHẬN THẤY
Theo đơn khởi kiện ngày 31/10/2005, nguyên đơn bà Nguyễn Thị Hiền trình bày:
Phần đất diện tích 3.875 m2 nhằm thửa 231, tờ bản đồ số 16 Bộ địa chính xã Trung An, huyện Củ Chi bà đã được Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 2640 ngày 13/12/2001.
Ông Nguyễn Văn Thương tự ý trồng khoảng 930 cây tầm vông trên đất mà không có sự đồng ý của bà. Ủy ban nhân dân xã Trung An hòa giải lần 1, ông Thương đồng ý  trả lại đất cho bà và đồng ý để bà đền bù lại tiền với diện tích cây tầm vông đã trồng. Nhưng sau đó ông Thương không đồng ý. Ủy ban nhân dân xã Trung An hòa giải lần 2 ông Thương yêu cầu bà phải chia lại 1/3 diện tích đất nên bà không đồng ý.
Bà yêu cầu Tòa án buộc ông Thương phải trả lại phần đất có diện tích 3.875 m2 cho bà.
Tại biên bản hòa giải không thành ngày 11/9/2012, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn ông Nguyễn Văn Xạt trình bày: Yêu cầu những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Thương trả lại phần đất diện tích 3.875m2, cây tầm vông trên đất thì tự dọn.
Tại đơn khởi kiện ngày 29/5/2008, bị đơn ông Nguyễn Văn Thương trình bày:
Ông yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Củ Chi hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 2640 do Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi cấp cho bà Nguyễn Thị Hiền ngày 13/12/2001. Công nhận quyền sử dụng cho ông phần đất diện tích 3.875 m2 nhằm thửa 231, tờ bản đồ số 16 Bộ địa chính xã Trung An, huyện Củ Chi theo quy định của Luật đất đai.
Tại biên bản hòa giải không thành ngày 11/9/2012, người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị đơn ông Nguyễn Văn Sanh trình bày:
   Phần đất 3.875 m2 là do ba ông là Nguyễn Văn Thương trực tiếp canh tác từ năm 1963 cho đến nay, có đóng thuế hàng năm, trên đất có trồng số cây trái lâu năm gồm: cây tầm vông, cây điều, cây tràm. Gia đình ông có đến chính quyền địa phương để đăng ký quyền sử dụng đất nhưng chưa được Ủy ban nhân dân xã giải quyết. Việc bà Hiền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên là gia đình ông không biết. Nay bà Hiền kiện buộc gia đình ông phải trả diện tích 3.875 m2 đất ông không đồng ý. Tại buổi hòa giải giữa bà Hiền với ông Thương của Ủy ban nhân dân xã Trung An do ông Thương quá mệt nên ký tên chứ thực sự ông Thương không đồng ý trả lại đất cho bà Hiền.
Tại biên bản hòa giải không thành ngày 11/9/2012, người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị đơn ông Nguyễn Văn Dị trình bày:
Ông Thương sử dụng phần đất 3.875m2 từ năm 1963, gia đình ông đã canh tác trồng trỉa trên đất và bỏ công sức gìn giữ đất cho đến nay. Ông Thương có đăng ký sử dụng theo Chỉ thị 299/TTg và đăng ký theo Chỉ thị 02/CT-UB. Ông Thương biết bà Hiền đăng ký nhưng không có đi khiếu nại. Nay bà Hiền đòi trả lại đất ông không đồng ý.
Tại biên bản hòa giải không thành ngày 11/9/2012, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Đặng Văn Bê trình bày:
Ông là chồng của bà Nguyễn Thị Ngợi. Ông xác định ông Thương và bà Ẻn là người quản lý, sử dụng 3.875m2 đất. Bà Hiền không có quản lý, sử dụng đất. Ông xin công nhận 3.875m2 cho cha mẹ vợ của ông.
Tại biên bản hòa giải không thành ngày 11/9/2012, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đoàn Thị Xả trình bày:
   Bà về làm dâu ông Thương từ năm 1991 Đến năm 2003, bà Hiền mới tranh chấp phần đất 3.875m2 mà ba má chồng của bà và vợ chồng bà đang quản lý canh tác. Bà cũng không đồng ý trả lại đất cho bà Hiền.
   Do hòa giải không thành nên Tòa phải đưa vụ án ra xét xử.

XÉT THẤY:

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
*Về tố tụng:
Căn cứ vào nội dung đơn khởi kiện của bà Hiền có cơ sở xác định quan hệ pháp luật tranh chấp quyền sử dụng đất được quy định tại khoản 7 Điều 25 của Bộ luật tố tụng dân sự. Căn cứ điểm a khoản 1 điều 33 và điểm c khoản 1 điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011), đất tranh chấp tọa lạc tại xã Trung An, huyện Củ Chi nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân huyện Củ Chi.
Căn cứ vào nội dung đơn khởi kiện ngày 29/5/2008, bị đơn ông Nguyễn Văn Thương yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Củ Chi hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 2640 do Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi cấp cho bà Nguyễn Thị Hiền ngày 13/12/2001 đồng thời công nhận quyền sử dụng cho ông phần đất diện tích 3.875 m2 nhằm thửa 231, tờ bản đồ số 16 Bộ địa chính xã Trung An, huyện Củ Chi theo quy định của Luật đất đai. Xét về nội dung đơn chưa đảm bảo theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 164 của Bộ luật tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011). Xét về yêu cầu của nguyên đơn không thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 25 của Bộ luật tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011) nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo điểm đ khoản 1 Điều 168 của Bộ luật tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011). Tại phiên tòa, ông Sanh và ông Dị xin rút lại đơn khởi kiện ngày 29/5/2008, xét việc xin rút đơn khởi kiện của ông Sanh và ông Dị là tự nguyện nên Tòa chấp nhận. Căn cứ vào điểm c,i khoản 1 Điều 192 và khoản 2 Điều 218 của Bộ luật tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011), Tòa án đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông Thương.
Các đương sự gồm bà Nguyễn Thị Ẻn, bà Nguyễn Thị Ngợi, bà Nguyễn Thị Ơi, bà Nguyễn Thị Nhớ, ông Nguyễn Văn Tại, bà Võ Thị Thu Hà, ông Đỗ Văn Cường có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa (BL567-573), căn cứ vào khoản 1 Điều 202 của Bộ luật tố tụng dân sự (đã được sửa đổi bổ sung năm 2011), Tòa tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự.
*Về nội dung: Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ và lời trình bày của các đương sự tại phiên tòa có cơ sở xác định:
Phần đất tranh chấp có diện tích 3.875 m2 nhằm thửa 231, tờ bản đồ số 16 Bộ địa chính xã Trung An, huyện Củ Chi bà Nguyễn Thị Hiền đã được Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 2640/QSDĐ ngày 13/12/2001 (Giấy chứng nhận này thay thế giấy chứng nhận số 2219/QSDĐ ngày 19/4/1997 của Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi).
            Phần đất này có nguồn gốc của cha mẹ ruột bà Hiền để lại. Bà Hiền là người đăng ký sử dụng theo Chỉ thị 02/CT-UB. Tuy nhiên từ năm 1994 cho đến thời điểm tranh chấp do ông Nguyễn Văn Thương và bà Nguyễn Thị Ẻn canh tác.
            Căn cứ biên bản giải thích ngày 06/02/2012 (BL579) và biên bản làm việc ngày 04/5/2012 (BL582) các đương sự đồng ý số lượng và chủng loại cây có trên đất theo biên bản xem xét hiện trạng ngày 06/7/2007 (BL186,187) gồm: 185 bụi tầm vông (mỗi bụi 45 cây), 55 cây điều đang cho trái, 30 cây tràm (10 cây đường kính 30cm, 10 cây đường kính 20cm, 10 cây đường kính 10cm) và 22 cây lồng mứt và đề nghị Tòa án căn cứ vào số lượng và chủng loại cây này để giải quyết vụ án. Xét đây là sự thỏa thuận của các đương sự, phù hợp thực tế nên Tòa ghi nhận sự thỏa thuận này để làm cơ sở giải quyết vụ án.
            Căn cứ vào biên bản định giá ngày 06/01/2012 (BL575,576), căn cứ vào công văn số 466/BBT-HCVP ngày 28/6/2012 của Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi (BL563) không có cơ sở xác định giá cây tầm vông, Tòa án đã tiến hành khảo sát giá tầm vông tại 03 cơ sở chuyên mua bán tầm vông trên địa bàn huyện Củ Chi (BL584-586). Ngày 10/8/2012, Tòa án thông báo cho các đương sự biết giá cây tầm vông bình quân là 10.666 đồng/cây, ông Xạt là người đại diện hợp pháp của bà Hiền đồng ý giá này, các đương sự gồm ông Sanh, ông Dị, ông Bê và bà Xả không đồng ý nhưng cũng không cung cấp giá cây tầm vông trong thời hạn do Tòa án đã ấn định. Do đó, Tòa lấy giá tầm vông bình quân là 10.666 đồng/cây làm cơ sở giải quyết vụ án. Như vậy, tổng giá trị tầm vông có trên đất sẽ là 185 bụi x 45 cây x 10.666 đồng/cây = 88.794.450 đồng.
            Căn cứ vào bảng phụ lục về đơn giá bồi thường cây trồng, hoa màu (Ban hành kèm theo quyết định số 35/2010/QĐ-UBND ngày 28/5/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh) do Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi cung cấp (BL554) có cơ sở xác định giá cây trên đất còn lại như sau:
            -Điều đang cho trái: 55 cây x 221.000 đồng/cây = 12.155.000 đồng.
            -Tràm: 20 cây (đường kính từ 20-30cm) x 55.000 đồng/cây = 1.100.000 đồng và 10 cây (đường kính 10cm) x 20.000 đồng/cây = 200.000 đồng.
            -Lồng mứt: 22 cây x 125.000 đồng/cây = 2.750.000 đồng.
            Tổng giá trị cây trồng trên đất là 104.999.450 đồng.   
Xét bà Nguyễn Thị Hiền yêu cầu những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Nguyễn Văn Thương phải trả phần diện tích đất 3.875 m2 thuộc thửa 321 tờ bản đồ số 6, đất tọa lạc tại ấp Hội Thạnh, xã Trung An, huyện Củ Chi là có cơ sở chấp nhận, bởi lẽ:
-Phần đất này có nguồn gốc là của cha mẹ ruột bà Hiền để lại. Bà Hiền là người đăng ký sử dụng theo Chỉ thị 02/CT-UB. Bà Hiền đã được Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi cấp giấy chứng nhận số 2219/QSDĐ ngày 19/4/1997, đến ngày 13/12/2001 được Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 2640/QSDĐ. Từ ngày 19/4/1997, bà Hiền đã có cơ sở xác lập quyền sử dụng đất hợp pháp đối với phần đất tranh chấp. Mặc dù gia đình ông Thương biết nhưng không có khiếu nại gì về việc Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Hiền.
   -Ông Thương tuy có quá trình sử dụng phần đất tranh chấp từ năm 1994 nhưng ông Thương không đăng ký sử dụng theo chỉ thị 02/CT-UB. Ông Thương chỉ đăng ký sử dụng hai thửa số 232 và 234, cùng tờ bản đồ số 16 bộ địa chính xã Trung An, huyện Củ Chi giáp ranh thửa 231 là đất tranh chấp và đã được Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1148 QSDĐ/HTH ngày 07/7/2000.  Ngoài ra ông Đặng Văn Bê, là con rể ông Thương đăng ký sử dụng thửa số 230 và 235, cùng tờ bản đồ số 16 bộ địa chính xã Trung An, huyện Củ Chi, thửa 230 giáp ranh thửa 231 là đất tranh chấp và cũng đã được Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1176 QSDĐ/HTH ngày 11/7/2000. Như vậy có cơ sở xác định cả ông Thương và ông Bê đều thực hiện đăng ký sử dụng phần đất của mình đang sử dụng mà không thực hiện việc đăng ký sử dụng thửa 231 là phần đất tranh chấp. Ông Sanh cho rằng gia đình ông có đến chính quyền địa phương để đăng ký quyền sử dụng phần đất tranh chấp nhưng chưa được Ủy ban nhân dân xã giải quyết và việc bà Hiền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gia đình ông không biết là không có cơ sở. Ông Dị cho rằng ông Thương có đăng ký sử dụng phần đất tranh chấp theo Chỉ thị 299/TTg và đăng ký theo Chỉ thị 02/CT-UB càng không có cơ sở vì thực tế là không có chứng cứ chứng minh.
-Ông Nguyễn Văn Thương cũng như ông Sanh và ông Dị cho rằng gia đình của các ông sử dụng phần đất tranh chấp từ năm 1963 nhưng không có chứng cứ nào để chứng minh. Căn cứ vào xác nhận của tổ thuế xã Trung An ngày 20/5/2008 (BL210) thì các biên lai thuế do ông Thương xuất trình không đủ cơ sở xác định ông Thương đóng thuế hàng năm đối với phần đất tranh chấp. Căn cứ vào giấy xác nhận miễn thu thuế ngày 24/6/2008 (BL273,274) thì bà Hiền được miễn nộp thuế đối với phần đất tranh chấp đến năm 2002.
-Tại biên bản hòa giải ngày 04/4/2003 (BL89,90) của Ủy ban nhân dân xã Trung An, huyện Củ Chi về việc hòa giải phần đất tranh chấp giữa bà Hiền và ông Thương, ông Thương đã có ý kiến: “Trước đây tôi có khai phá số đất trên và sau đó cháu Hiền có đến xin lại số đất nhưng tôi vẫn chấp nhận trả lại nhưng phải bồi hoàn số cây trái mà tôi đã trồng trên miếng đất đó thì tôi chấp nhận giao lại”. Như vậy ý chí của ông Thương tại buổi hòa giải ngày 04/4/2003 của Ủy ban nhân dân xã Trung An là trả lại đất cho bà Hiền và yêu cầu bà Hiền phải trả lại giá trị cây trái mà ông đã trồng trên đất của bà Hiền là do ông Thương tự nguyện. Tại thời điểm này, ông Thương hoàn toàn không có ý kiến phản đối việc bà Hiền đăng ký và đã được Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với phần đất tranh chấp, phù hợp lý do vì sao ông Thương không đăng ký sử dụng phần đất tranh chấp. Ông Sanh và ông Dị cho rằng buổi hòa giải kéo dài quá trưa, ông Thương vì mệt nên ký tên là không phù hợp vì thời gian buổi hòa giải ngày 04/4/2003 từ lúc 14 giờ 30’ đến 15 giờ 30’.
   Xét việc những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Thương không đồng ý trả lại đất cho bà Hiền là không có cơ sở chấp nhận.
   Xét những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không đồng ý trả lại đất cho bà Hiền là không có cơ sở chấp nhận.
Xét việc ông Xạt yêu cầu những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Thương tự bứng toàn bộ cây trồng trên đất để trả lại đất trống cho bà Hiền là không có cơ sở chấp nhận, bởi lẽ: Việc gia đình ông Thương trồng cây trên đất tranh chấp từ năm 1994, trước khi bà Hiền đăng ký sử dụng. Bà Hiền không đồng ý nhưng cũng không có ý kiến mà đến năm 2003 mới tranh chấp. Việc gia đình ông Thương đã trồng cây trên đất thì đương nhiên được hưởng hoa lợi là phù hợp quy định của pháp luật, phù hợp nội dung ông Thương yêu cầu tại biên bản hòa giải ngày 04/4/2003 của Ủy ban nhân dân xã Trung An.
            Tòa nghĩ nên buộc bà Hiền bồi thường cho những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Thương tổng giá trị cây trồng trên đất là 104.999.450 đồng, thi hành ngay khi án có hiệu lực pháp luật là phù hợp.
Căn cứ vào biên bản thỏa thuận giá đất tranh chấp ngày 01/6/2007, các đương sự không thống nhất được về giá mà yêu cầu Tòa án định giá, căn cứ khoản 3 Điều 142 của Bộ luật tố tụng dân sự thì mỗi bên đương sự phải nộp một nửa tiền chi phí định giá. Tại phiên tòa, nguyên đơn tự nguyện chịu nên Tòa không buộc những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Thương trả lại 1/2 tiền chi phí định giá.
Về án phí dân sự sơ thẩm: Nguyên đơn phải chịu án phí tương ứng giá trị cây trồng trên đất do yêu cầu không được chấp nhận và những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Thương phải chịu án phí tương ứng giá trị phần đất tranh chấp theo quy định tại Nghị định số 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ quy định về án phí, lệ phí của Tòa án là phù hợp.
Luật sư Lê Văn Khải đề nghị không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là không có cơ sở chấp nhận. Luật sư Khải yêu cầu hoãn phiên tòa để bổ sung chứng cứ là không có cơ sở chấp nhận.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng ngoài việc Thẩm phán có vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử thì Thẩm phán và Hội đồng xét xử tuân theo pháp luật tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước khi Hội đồng xét xử nghị án là phù hợp.
Vì các lẽ trên:        

QUYẾT ĐỊNH:

-Áp dụng khoản 7 Điều 25; điểm a khoản 1 Điều 33; điểm c khoản 1 Điều 35; Điều 131; khoản 3 Điều 142; điểm g khoản 2 Điều 164; điểm đ khoản 1 Điều 168; điểm c, i khoản 1 Điều 192; khoản 1 Điều 202; khoản 2 Điều 218 của Bộ luật tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011);
-Áp dụng khoản 6 Điều 73 của Luật đất đai năm 1993 và khoản 5 Điều 105 của Luật đất đai năm 2003;
-Áp dụng Điều 690 của Bộ luật dân sự năm 1995;
-Áp dụng Điều 255; khoản 2 Điều 305; Điều 688 của Bộ luật dân sự năm 2005;
I.Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Hiền về việc yêu cầu những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Nguyễn Văn Thương phải trả lại phần đất diện tích đất 3.875 m2.
Không chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Hiền về việc yêu cầu những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Nguyễn Văn Thương bứng hết cây trồng trên đất để trả lại đất trống cho bà Hiền.
Buộc những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Nguyễn Văn Thương gồm: Bà Nguyễn Thị Ẻn, ông Nguyễn Văn Sanh, ông Nguyễn Văn Dị, bà Nguyễn Thị Ngợi, bà Nguyễn Thị Ơi và bà Nguyễn Thị Nhớ có trách nhiệm trả lại phần đất diện tích 3.875 m2 nhằm thửa 231, tờ bản đồ số 16 Bộ địa chính xã Trung An, huyện Củ Chi cho bà Nguyễn Thị Hiền quản lý, sử dụng ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Buộc bà Nguyễn Thị Hiền có trách nhiệm bồi thường cho những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Nguyễn Văn Thương gồm: Bà Nguyễn Thị Ẻn, ông Nguyễn Văn Sanh, ông Nguyễn Văn Dị, bà Nguyễn Thị Ngợi, bà Nguyễn Thị Ơi và bà Nguyễn Thị Nhớ tổng giá trị cây trồng trên đất là 104.999.450 (một trăm lẻ bốn triệu chín trăm chín mươi chín ngàn bốn trăm năm mươi) đồng, thi hành ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật, tại Chi cục Thi hành án dân sự có thẩm quyền.
 Kể từ ngày bà Nguyễn Thị Ẻn, ông Nguyễn Văn Sanh, ông Nguyễn Văn Dị, bà Nguyễn Thị Ngợi, bà Nguyễn Thị Ơi và bà Nguyễn Thị Nhớ có đơn yêu cầu thi hành án nếu bà Hiền chưa thực hiện bồi thường số tiền nêu trên thì hàng tháng bà Hiền còn phải trả thêm cho bà Nguyễn Thị Ẻn, ông Nguyễn Văn Sanh, ông Nguyễn Văn Dị, bà Nguyễn Thị Ngợi, bà Nguyễn Thị Ơi và bà Nguyễn Thị Nhớ tiền lãi theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
II.Đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Thương theo đơn khởi kiện ngày 29/5/2008.
III.Án phí dân sự sơ thẩm:
-Buộc bà Nguyễn Thị Ẻn, ông Nguyễn Văn Sanh, ông Nguyễn Văn Dị, bà Nguyễn Thị Ngợi, bà Nguyễn Thị Ơi và bà Nguyễn Thị Nhớ phải nộp 30.875.000 (Ba mươi triệu tám trăm bảy mươi lăm ngàn) đồng nhưng được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp là 9.812.500 đồng (Chín triệu tám trăm mười hai ngàn năm trăm) đồng theo biên lai thu số 001737 ngày 09/6/2008 của Thi hành án dân sự huyện Củ Chi; bà Nguyễn Thị Ẻn, ông Nguyễn Văn Sanh, ông Nguyễn Văn Dị, bà Nguyễn Thị Ngợi, bà Nguyễn Thị Ơi và bà Nguyễn Thị Nhớ còn phải nộp thêm số tiền 21.062.500 (hai mươi mốt triệu không trăm sáu mươi hai ngàn năm trăm) đồng.
-Buộc bà Nguyễn Thị Hiền phải nộp 5.199.978 (năm triệu một trăm chín mươi chín ngàn chín trăm bảy mươi tám) đồng nhưng được khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp là 2.325.000 (hai triệu ba trăm hai mươi lăm ngàn) đồng theo biên lai thu số 006097 ngày 02/11/2005 của Thi hành án dân sự huyện Củ Chi; bà Hiền còn phải nộp thêm số tiền 2.874.978 (hai triệu tám trăm bảy mươi bốn ngàn chín trăm bảy mươi tám) đồng.
Các đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Các đương sự vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản sao bản án hoặc ngày niêm yết.
 
  
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự. 

Tổng số điểm của bài viết là: 32 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 4.6 - 7 phiếu bầu

Hỏi đáp pháp luật

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây