Câu hỏi:
Bố tôi có 2 vợ, bây giờ ông ở với người vợ thứ hai nhưng không ly hôn với người vợ cũ. Nay ông lập một di chúc như sau: ông chỉ chia tài sản là một miếng đất ở cho 2 người con trai của người vợ cũ và một người của người vợ mới nhưng ông không tách sổ. Sổ đỏ lại do người con trai của vợ mới cầm thì tôi là con của người vợ trước ở trên thửa đất đó có quyền hạn gì không? Mà mẹ đẻ ra tôi còn một người anh trai nữa, anh tôi có quyền hưởng tài sản không?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 633 BLDS 2005 quy định: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp Toà án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này.”
Di chúc chỉ có hiệu lực pháp luật vào thời điểm mở thừa kế .
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Điều 648 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:
“Người lập di chúc có các quyền sau đây:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản”.
Như vậy, nếu di chúc tuân thủ đúng quy định pháp luật thì việc phân chia tài sản được thực hiện theo di chúc. Việc chỉ định người thừa kế và phân định phần hưởng di sản thừa kế cho từng người phụ thuộc vào ý chí của người để lại di chúc.
Ý chí đó người lập di chúc cũng bị hạn chế bởi quy định của Điều 669 Bộ luật Dân sự 2005:
“Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động”
Theo thông tin bạn cung cấp, cha của bạn đã có di chúc để lại tài sản cho 3 người con trai nhưng không phân định phần thừa kế của từng người, do đó 3 người được hưởng phần thừa kế bằng nhau sau khi trừ đi 2/3 của một suất thừa kế cho người vợ thứ nhất. Đối với người vợ thứ hai thì cần xem xét hôn nhân có phù hợp với quy định của pháp luật hay không (áp dụng quy định về hôn nhân thực tế theo mục 3 Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 của Quốc hội).
Trường hợp di chúc do cha bạn lập không có hiệu lực pháp luật (Khoản 2 Điều 667 Bộ luật Dân sự 2005), di chúc bị thất lại, hư hại (Điều 666 Bộ luật Dân sự 2005) hoặc di chúc không đáp ứng được yêu cầu về hình thức theo quy định tại các điều 649 đến 661 Bộ luật Dân sự 2005, thì tài sản do cha bạn để lại được chia theo pháp luật.
Theo đó, những người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất được hưởng di sản thừa kế, mỗi người hưởng một phần di sản bằng nhau.
Khoản 1 Điều 676 BLDS 2005 quy định: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”. Như vậy, cả bạn, anh trai của bạn và người em cùng cha khác mẹ với bạn đều có quyền hưởng di sản thừa kế.