Kiện đòi di sản là tiền gởi ngân hàng
Bà Phùng Thị Huệ ủy quyền ông Vĩnh An trình bày: Bà Phùng Thị Cúc, vợ góa ông Bửu Điềm lúc sinh thời có gởi vào tài khoản của Ngân hàng BNP Paribas – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh hơn 100.000 USD và tiền EURO.
Ngày 29/01/2002, bà Cúc qua đời không có con đẻ và con nuôi, cha mẹ không còn. Với tư cách là em ruột, bà yêu cầu Ngân hàng BNP Paribas trả lại số tiền bà Cúc đã gởi cho các anh chị em ruột bà Cúc (hàng thừa kế thứ 2). Khi nhận được tiền các anh chị em sẽ tự chia nhau.
Ngân hàng BNP (Banque Nationale de Paris) ủy quyền Ông Phạm Sĩ Hải Quỳnh cho rằng: Bà Phùng Thị Cúc bắt đầu gởi vào tài khoản Ngân hàng BNP Paribas – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1993. Ngày 14/3/2002 tài khoản tiền gởi có kỳ hạn bằng USD của bà Cúc được tất toán, toàn bộ số tiền được chuyển sang tài khoản tiền gởi vãng lai bằng USD. Ngày 01/7/2002 Ngân hàng ngưng trả lãi trên số dư tài khoản của bà Cúc.
Tài khoản của bà Cúc tại chi nhánh Ngân hàng BNP Paribas hiện nay là 111.817,16 USD và 220,42 EURO (bao gồm tiền gốc và lãi). Ngân hàng sẽ trao trả lại tiền cho các đồng thừa kế của bà Cúc theo bản án của Tòa án. Tuy nhiên từ ngày 15/10/2002 đến 28/7/2005 Ngân hàng BNP Paribas phát sinh tư vấn pháp lý, quản lý và bảo vệ tài khoản, chi phí 7.673,83 USD. Ngân hàng yêu cầu các đồng thừa kế phải hoàn lại các khoản tiền trên cho Ngân hàng đồng thời chịu án phí của Tòa án.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan – Ngân hàng BNP Paribas – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh – Ông Lê Minh Quốc ủy quyền cho ông Phạm Sĩ Hải Quỳnh trình bày và yêu cầu như Ngân hàng BNP.
Các anh chị em ruột của bà Cúc: Ông Phùng Duy Phiên, Phùng Thị Đậu, Phùng Duy Thắng, Phùng Duy Hiệu, Phùng Duy Đông, Phùng Duy Công, Phùng Duy Huân ủy quyền Ông Vĩnh An yêu cầu như bà Huệ.
Ông Phùng Duy Miễn trú tại Mỹ có đơn khước từ không nhận di sản bà Cúc.
Tại phiên tòa:
Các bên thỏa thuận: Chi phí tư vấn pháp lý của Ngân hàng bỏ ra bên nguyên đơn tự nguyện chịu ngoài ra bên nguyên đơn còn tự nguyện chịu ½ án phí thay Ngân hàng.
XÉT THẤY
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ, thẩm tra các chứng cứ tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định.
Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án: Bà Phùng Thị Huệ khởi kiện yêu cầu Ngân hàng BNP trả lại tài sản mà bà Cúc khi còn sống đã gởi Ngân hàng. Do đó xác định tranh chấp là đòi tài sản. Ngân hàng BNP có trủ sở tại Pháp nên thẩm quyền giải quyết là của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Thủ tục tố tụng: Bà Phùng Thị Cúc gởi tiền vào tài khoản của Ngân hàng BNP Pribas chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Xét Ngân hàng BNP Paribas chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân (Ngân hàng BNP thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền căn cứ Điều 100 Bộ luật Dân sự). Xác định Ngân hàng BNP là bị đơn và Ngân hàng BNP Paribas chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Về yêu cầu các đương sự: Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ, lời trình bày cũng như yêu cầu của các đương sự.
Xét: Bà Phùng Thị Cúc, vợ góa ông Bửu Điềm lúc sinh thời có gởi vào tài khoản của Ngân hàng BNP Paribas chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh một khoản tiền. Qua các chứng từ do Ngân hàng cung cấp, số dư các tài khoản của bà Cúc ngày 02/7/2002 (ngày Ngân hàng trả tiền lãi cuối cùng) là 000 60.000 154-001-96 EUR: 202,42 và 000 60.000 154-001-96 USD: 111.817,16. Sau ngày 02/7/2002 ngưng hoạt động dịch vụ, đã thông báo cho bà Cúc. Do đó xác định số tiền bà Cúc hiện có trong tài khoản Ngân hàng BNP Paribas chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh là 111.817,16 USD và 220,42 EURO.
Bà Cúc qua đời ngày 29/01/2002 không để lại di chúc, số tiền trên là di sản để lại cho các đồng thừa kế theo luật. Qua giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân xã Bùi Xá, Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngày 05/3/2003, ông Phùng Duy Cầm cha đẻ của bà Phùng Thị Cúc có 03 vợ:
- Bà vợ cả: Nguyễn Thị Chất mất năm 1959 có 03 con.
1/ Phùng Thị Chắt mất năm 1990
2/ Phùng Duy Khuyên mất năm 1997
3/ Phùng Duy Phiên.
- Bà vợ thứ hai: Lê Thị Táo mất năm 1924 có 03 con.
1/ Phùng Thị Đậu
2/ Phùng Duy Miễn
3/ Phùng Thị Cúc mất năm 2002.
- Bà vợ thứ ba: Nguyễn Thị Cháu mất năm 1996 có 07 con:
1/ Phùng Thị Lan mất năm 1997
2/ Phùng Thị Huệ
3/ Phùng Duy Thắng
4/ Phùng Duy Đổng
5/ Phùng Duy Công
6/ Phùng Duy Hiệu
7/ Phùng Duy Huân
Bà Phùng Thị Cúc không có con đẻ, con nuôi, cha mẹ đã chết. Từ cơ sở trên có cơ sở xác định hàng thừa kế thứ nhất không có ai, hàng thừa kế thứ hai là anh chị em ruột được hưởng di sản bà Cúc chết để lại. Ngoại trừ những người đã chết, những người được hưởng gồm 09 người: Phùng Duy Phiên, Phùng Duy Thắng, Phùng Thị Đậu, Phùng Thị Huệ, Phùng Duy Đổng, Phùng Duy Công, Phùng Duy Hiệu, Phùng Duy Huân, Phùng Duy Miễn. Ông Miễn có đơn khước từ nhận di sản của bà Cúc. Do đó di sản của bà Cúc thì 08 người còn lại được hưởng và chia nhau.
Xét yêu cầu ông Vĩnh An, đại diện bà Huệ, ông Phiên, ông Thắng, bà Đậu, ông Đổng, ông Công, ông Hiệu, ông Huân yêu cầu Ngân hàng BNP trả lại số tiền bà Cúc đã gởi tại Ngân hàng BNP Paribas chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh theo số luệu do Ngân hàng cunng cấp: 111.817,16 USD và 202,42 EURO là có căn cứ chấp nhận.
Tại phiên tòa đại diện Ngân hàng, ông Quỳnh yêu cầu các đồng thừa kế bà Cúc phải trả lại cho Ngân hàng các chi phí Ngân hàng đã bỏ ra gồm chi phí tư vấn pháp lý, quản lý và bảo vệ tài sản trong tài khoản bà Cúc: 7673,81 USD và phía nguyên đơn phải chịu án phí của Tòa án. Đối với chi phí tư vấn, Ngân hàng chưa đóng án phí phản tố lẽ ra Tòa án không xét. Tuy nhiên phía nguyên đơn tự nguyện chịu trả lại Ngân hàng số tiền trên, Tòa ghi nhận. Ngoài ra các bên còn thỏa thuận án phí, mỗi bên chịu ½ Tòa ghi nhận vì không trái pháp luật. Do hai bên giao dịch bằng ngoại tệ, căn cứ Điều 295 Bộ luật Dân sự, số tiền trên phải quy đổi ra tiền đồng Việt Nam vào thời điểm trả tiền.
Vì các lẽ trên.
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng Điều 677, Điều 679, Điều 295 Bộ luật Dân sự.
Áp dụng Thông tư liên tịch 01/TTLT của Tòa án nhân dân tối cao –Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp hướng dẫn xét xử và thi hành án về tài sản.
Áp dụng Nghị định 70/CP của Chính phủ quy định lệ phí, án phí Tòa án.
Tuyên xử:
- Xác định 02 tài khoản:
000 60000 154 001-96-EURO: 202,42 EURO và 000 60000 154 001-96-USD: 111.817,16 USD là di sản của bà Phùng Thị Cúc.
Chín đồng thừa kế của bà Phùng Thị Cúc được hưởng di sản bà Cúc gồm: Phùng Duy Phiên, Phùng Duy Thắng, Phùng Thị Đậu, Phùng Thị Huệ, Phùng Duy Đổng, Phùng Duy Công, Phùng Duy Hiệu, Phùng Duy Huân, Phùng Duy Miễn.
Ghi nhận sự tự nguyện ông Phùng Duy Miễn khước từ không nhận di sản bà Phùng Thị Cúc.
- Buộc Ngân hàng BNP – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm trao trả cho ông Phiên, bà Đậu, bà Huệ, ông Thắng, ông Đổng, ông Công, ông Hiệu, ông Huân số tiền 111.817,16 USD quy ra tiền đồng Việt Nam (tỷ giá 15.938 đồng) là 1.782.141.896,08 đồng và 202,42 EURO quy ra tiền đồng Việt Nam (tỷ giá 18.885 đồng) là 3.822.701,70 đồng, tổng cộng: 1.785.964.597,78 đồng ngay khi án có hiệu lực pháp luật.
Ghi nhận tự nguyện ông Vĩnh An đại diện nguyên đơn và những người liên quan hoàn lại tiền tư vấn pháp lý cho Ngân hàng BNP – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh số tiền 7673,81 USD quy ra tiền đồng Việt Nam là 122.305,78 đồng. Số tiền nhận được các anh em tự chia nhau, không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Kể từ ngày các đương sự (cho ông Phiên, bà Đậu, bà Huệ, ông Thắng, ông Đổng, ông Công, ông Hiệu, ông Huân có ông Vĩnh An đại diện) có đơn yêu cầu Thi hành án nếu Ngân hàng BNP không thi hành các khoản phải thi hành thi hàng tháng còn phải chịu tiền lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng thời gian chưa thi hành án.
Án phí Dân sự sơ thẩm 28.663.659 đồng các bên tự nguyện chịu mỗi người 1/2. Ngân hàng BNP – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh chịu 14.331.829 đồng; ông Phiên, bà Đậu, bà Huệ, ông Thắng, ông Đổng, ông Công, ông Hiệu, ông Huân chịu 14.331.829 đồng.
Hoàn tiền tạm ứng án phí Dân sự sơ thẩm cho nguyên đơn theo biên lai thu số 4700 ngày 19/4/2005 của Thi hành án Thành phố Hồ Chí Minh.
Án xử công khai, sơ thẩm báo đương sự biết có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tống đạt hợp lệ trích sao bản án.
Ý kiến bạn đọc