NHÂN DANH
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 11
Với thành phần hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có: Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa: Ông Trương Công Huấn
Các Hội hội thẩm nhân dân: 1/ Ông Huỳnh Tấn Tài
2/ Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân
Thư ký ghi biên bản phiên tòa: Bà Thái Thị Mỹ Hạnh – cán bộ
Tòa án nhân dân quận 11.
Đại diện VKSND Quận 11: Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh – kiểm sát viên.
Ngày 20/6/2012, tại trụ sở Tòa án nhân dân quận 11, mở phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm vụ án dân sự thụ lý số 202/2011/TLST-DS ngày 03/10/2011 về “Tranh chấp thừa kế” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 66/2012/QĐST-DS ngày 30/5/2012 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Cúc; sinh năm 1940; cư trú tại số 43/1 ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của bà Cúc: Ông Đồng Anh Tuấn; sinh năm 1973; nơi đăng ký NKTT: 102/27 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 25, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh; là người đại diện theo ủy quyền (văn bản ủy quyền lập ngày 06/9/2011) - có mặt.
Bị đơn: Ông Võ Văn Khanh; sinh năm 1966; cư trú tại E4/10 ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của ông Khanh: Bà Võ Thị Hồng Nga; sinh năm 1974; nơi cư trú: 290/10/5T đường Dương Bá Trạc, Phường 1, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh; là người đại diện theo ủy quyền (văn bản ủy quyền lập ngày 09/11/2011) - có mặt.
NHẬN THẤY Trong đơn khởi kiện, các văn bản gửi Tòa án, biên bản hòa giải và tại phiên tòa, nguyên đơn, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn – trình bày: Bà Đường Thị Kim Hoa là con ruột của bà Nguyễn Thị Cúc. Vào năm 1990, bà Hoa sống chung như vợ chồng với ông Võ Văn Khanh. Bà Hoa và ông Khanh không có con chung. Năm 1998, bà Hoa và ông Khanh mua căn nhà số 70 đường Lạc Long Quân, Phường 3, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. Căn nhà vừa nêu là tài sản chung của bà Hoa và ông Khanh.
Bà Hoa chết vào ngày 25/10/2004. Từ thời điểm này, ½ trị giá nhà, đất đã nêu trở thành di sản thừa kế của bà Hoa. Bà Cúc là mẹ ruột của bà Hoa, là người thừa kế duy nhất thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà Hoa. Do vậy, bà Cúc yêu cầu được thừa kế di sản của bà Hoa. Ông Khanh khai rằng đã sống chung với bà Hoa từ năm 1985 nhưng không xuất trình được chứng cứ để chứng minh nên không có căn cứ để cho rằng quan hệ hôn nhân giữa bà Hoa và ông Khanh là hôn nhân thực tế. Về mặt pháp lý, ông Khanh không được công nhận là chồng hợp pháp của bà Hoa, nhưng xét thấy ông Khanh đã có một thời gian dài chung sống với bà Hoa nên phía bà Cúc đồng ý chia một phần di sản của bà Hoa cho ông Khanh. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, phía ông Khanh hoàn toàn không có thiện chí. Do vậy, bà Cúc yêu cầu được hưởng toàn bộ di sản do bà Hoa để lại là ½ trị giá nhà, đất số 70 đường Lạc Long Quân, Phường 3, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. Theo giá của Hội đồng định giá đã định thì nhà và đất vừa nêu có tổng trị giá là 4.235.834.000đ. Như vậy, phần di sản của bà Hoa có giá trị là 2.117.917.000đ. Bà Cúc yêu cầu ông Khanh thanh toán cho bà Cúc số tiền 2.117.917.000đ. Sau khi thanh toán tiền cho bà Cúc, toàn bộ nhà, đất số 70 đường Lạc Long Quân, Phường 3, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thuộc về ông Khanh. Trong trường hợp ông Khanh không có khả năng thanh toán cho bà Cúc số tiền đã nêu thì đề nghị phát mãi nhà, đất số 70 đường Lạc Long Quân, Phường 3, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh; bà Cúc yêu cầu được hưởng ½ số tiền phát mãi nhà, đất.
Trong các văn bản gửi Tòa án, biên bản hòa giải và tại phiên tòa, bị đơn và người đại diện hợp pháp của bị đơn - trình bày: Ông Võ Văn Khanh và bà Đường Thị Kim Hoa chung sống với nhau từ năm 1985 nhưng không đăng ký kết hôn; trong quá trình chung sống hai người không có con chung. Quan hệ hôn nhân giữa bà Hoa với ông Khanh là hôn nhân thực tế được pháp luật thừa nhận.
Năm 1998, ông Khanh và bà Hoa cùng đứng ra mua căn nhà số 70 đường Lạc Long Quân, Phường 3, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. Bà Hoa bị bệnh ung thư và chết vào ngày 25/10/2004, không để lại di chúc.
Trong quá trình chung sống với ông Khanh, bà Hoa có cho ông Khanh biết rằng cha mẹ của bà Hoa đã bỏ bà Hoa từ nhỏ nên bà Hoa phải sống với bà ngoại. Ông Khanh chưa bao giờ nghe bà Hoa nhắc đến mẹ ruột của bà Hoa và cũng không nghe nói là mẹ bà Hoa còn sống hay đã chết.
Với các lý do đã nêu, ông Khanh không đồng ý với việc bà Cúc yêu cầu được hưởng thừa kế di sản của bà Hoa là trị giá ½ nhà, đất số 70 đường Lạc Long Quân, Phường 3, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, phía ông Khanh không có bất cứ yêu cầu gì.
XÉT THẤY Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; sau khi nghe các bên đương sự trình bày; sau khi nghe đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận 11 phát biểu ý kiến; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết. Bà Nguyễn Thị Cúc khởi kiện ông Võ Văn Khanh, tranh chấp về việc thừa kế di sản là ½ trị giá nhà, đất số 70 đường Lạc Long Quân, Phường 3, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. Theo quy định tại khoản 5 Điều 25, điểm a khoản 1 Điều 33, điểm c khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh.
Về yêu cầu của nguyên đơn. Căn cứ “Hợp đồng mua bán nhà” số 8176/HĐ-MBN xác lập ngày 17/10/1998 giữa vợ chồng ông Nguyễn Thành Mỹ và bà Võ Thị Mười với ông Võ Văn Khanh và bà Đường Thị Kim Hoa (được Phòng công chứng số 2 Thành phố Hồ Chí Minh chứng thực cùng ngày, số công chứng là 48829, quyển số 4), có cơ sở để xác định rằng nhà và đất mang số 70 đường Lạc Long Quân, Phường 3, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh là tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng chung của bà Đường Thị Kim Hoa và ông Võ Văn Khanh - quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất ở có nguồn gốc do nhận chuyển nhượng từ vợ chồng ông Mỹ và bà Mười.
Bà Hoa chết vào ngày 25/10/2004. Kể từ thời điểm này, ½ trị giá nhà, đất số 70 đường Lạc Long Quân, Phường 3, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành di sản thừa kế của bà Hoa. Bà Hoa chết không để lại di chúc. Do vậy, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 675 Bộ luật Dân sự năm 2005, di sản của bà Hoa phải được chia theo pháp luật.
Theo nội dung xác nhận của Công an Quận 11 trong “Đơn xin xác nhận” của bà Nguyễn Thị Cúc đề ngày 15/4/2011 thì: Khi còn sống, bà Đường Thị Kim Hoa có lập bản khai nhân khẩu, bà Hoa khai có cha tên là Đường Chăm (chết) và mẹ là Nguyễn Thị Cúc cư trú tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn.
Theo “Tờ khai gia đình” số 124/894 ngày 12/6/1971 của Chính quyền xã Hạnh Thông, quận Gò Vấp, tỉnh Gia định (dưới thời chế độ cũ) thì khi còn nhỏ, bà Hoa sống tại địa chỉ 23/18 ấp Cộng Hòa I, đường Lê Văn Thạnh, xã Hạnh Thông, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định cùng với một số người thân trong gia đình đó là các ông/bà Lư Sanh, Tăng Hậu, Lưu Xi, Lư Thị Nỉ, và Lư Xú Há.
Theo “Sổ hộ khẩu gia đình” số 0900003239 của Công an quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh cấp cho hộ ông Lưu Xi thì bà Đường Thị Kim Hoa sống chung với ông Lưu Xi tại địa chỉ 23/18 Huỳnh Khương An, Phường 5, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, đến tháng 02/11/1995 thì bà Hoa chuyển đến địa chỉ 111/123 đường Lạc Long Quân, Phường 5, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại “Tờ cam kết” lập ngày 30/7/2010 và “Biên bản lấy lời khai” tại Tòa án nhân dân Quận 11 vào ngày 20/12/2011, ông Lưu Xi khai trình như sau: Do có quan hệ không chính thức với một người đàn ông không rõ lai lịch, năm 1960, bà Cúc có sinh ra một người con đặt tên là Đường Thị Kim Hoa, nhưng không làm khai sinh (vì không rõ cha, cha vô danh). Ông Xi là em của bà Cúc nên hai chị em đưa cháu Hoa về nuôi tại nhà ông ngoại cháu Hoa là ông Lư Sanh ở quận Gò Vấp. Từ khi 2 tuổi, bà Hoa sống chung với ông Xi và cha mẹ ông Xi tại địa chỉ 23/18 ấp Cộng Hòa I, đường Lê Văn Thạnh, xã Hạnh Thông, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là 23/18 Huỳnh Khương An, Phường 5, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh). Đến năm 1990 thì bà Hoa sống chung với ông Khanh. Năm 1995, bà Hoa chuyển hộ khẩu đến địa chỉ 111/123 đường Lạc Long Quân, Phường 5, Quận 11; được một thời gian thì chuyển đến địa chỉ số 70 Lạc Long Quân, Phường 3, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh.
Xâu chuỗi các tình tiết, sự kiện và các tài liệu đã thu thập được như đã được nêu, có cơ sở để xác định rằng bà Nguyễn Thị Cúc là mẹ đẻ của bà Đường Thị Kim Hoa; còn cha đẻ của bà Hoa là ai thì không rõ. Nếu đúng như lời bà Hoa khai trình khi còn sống thì cũng chỉ biết được rằng cha của bà Hoa có tên là Đường Chăm và cũng đã chết.
Phía ông Võ Văn Khanh không thừa nhận mối quan hệ mẹ con giữa bà Hoa với bà Cúc nhưng không đưa ra được lý do xác đáng nên không có cơ sở để xem xét.
Về mối quan hệ giữa bà Đường Thị Kim Hoa với ông Võ Văn Khanh:
Phía ông Khanh khai trình rằng: Ông Khanh và bà Hoa sống chung với nhau từ năm 1985 nên ông Khanh và bà Hoa là vợ chồng dựa trên quan hệ hôn nhân thực tế. Để chứng minh về thời điểm mà ông Khanh và bà Hoa bắt đầu sống chung với nhau, phía ông Khanh có giao nộp cho Tòa án “Đơn xin xác nhận tình trạng Hôn nhân” của ông Khanh đề ngày 25/11/2004. Văn bản này được cảnh sát khu vực Nguyễn Thanh Sơn (Công an Phường 3, Quận 11) chứng nhận như sau:
“Ông Võ Văn Khanh và bà Đường Thị Kim Hoa sống chung với nhau từ năm 1985”.Phía bà Cúc thì cho biết rằng: Việc ông Khanh khai trình về thời điểm mà ông Khanh và bà Hoa bắt đầu sống chung với nhau là hoàn toàn không đúng; thực tế, thời điểm mà bà Hoa và ông Khanh bắt đầu sống chung với nhau là vào năm 1990. Với lý do vừa nêu, phía bà Cúc không thừa nhận quan hệ hôn nhân thực tế giữa bà Hoa với ông Khanh. Để chứng minh cho nội dung vừa trình bày là đúng sự thật, phía nguyên đơn có cung cấp cho Tòa án tài liệu “Giấy ra trại” số 70/HS ngày 29/7/1986 của trại T.40 Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và “Đơn xin tiêu hôn” của bà Đường Thị Kim Hoa đề ngày 22/01/2001 (có xác nhận của Công an Phường 3, Quận 11). Theo tài liệu “Giấy ra trại” vừa nêu thì bà Đường Thị Kim Hoa bị bắt vào ngày 19/7/1983 và bị đưa đi tập trung cải tạo 3 năm tại trại T.40 theo Quyết định số 1232 ngày 13/12/1983 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh; ngày 02/7/1986 bà Hoa mới có quyết định tha. Còn theo tài liệu “Đơn xin tiêu hôn” đã được đề cập thì bà Hoa khai trình rằng bà Hoa và ông Khanh sống chung với nhau từ năm 1990.
Như vậy, nội dung khai trình của ông Khanh và nội dung xác nhận của cảnh sát khu vực Nguyễn Thanh Sơn (Công an Phường 3, Quận 11), xác nhận ông Khanh và bà Hoa sống chung với nhau từ năm 1985 là không chính xác, mâu thuẫn với lời trình bày của bà Hoa khi còn sống và mâu thuẫn với tài liệu “Giấy ra trại” số 70/HS ngày 29/7/1986 của trại T.40 Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Bởi lẽ, từ năm 1983 đến năm 1986, bà Hoa đang tập trung cải tạo ở trại T.40 thì không thể có việc bà Hoa chung sống như vợ chồng với ông Khanh từ năm 1985. Để làm rõ sự việc đã nêu, Tòa án nhân dân Quận 11 đã làm văn bản yêu cầu Công an Phường 3, Quận 11 giải thích và cho biết về những căn cứ để xác nhận thời điểm mà ông Khanh và bà Hoa bắt đầu sống chung với nhau. Ngày 07/6/2012, Công an Phường 3 quận 11 trả lời cho biết rằng
“Ông Võ Văn Khanh và bà Đường Thị Kim Hoa sống chung với nhau từ thời gian nào hiện Công an phường 3, quận 11 không rõ, nhưng năm 1991 ông Võ Văn Khanh và bà Đường Thị Kim Hoa có mướn ki ốt tại số 3 Hòa Bình phường 3 Quận 11 để bán cafê và sống chung với nhau từ thời gian trên”. Như vậy, chỉ có cơ sở để xác định rằng: thời điểm mà ông Khanh và bà Hoa bắt đầu sống chung với nhau là vào khoảng thời gian năm 1990 đến năm 1991; không có căn cứ để xác định là bà Hoa và ông Khanh đã sống chung với nhau từ năm 1985. Theo quy định tại điểm c mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội thì quan hệ sống chung giữa bà Hoa với ông Khanh không được pháp luật thừa nhận là hôn nhân thực tế. Điều này cũng có nghĩa rằng ông Khanh không được công nhận là chồng của bà Hoa. Vì không được công nhận là chồng của bà Hoa nên ông Khanh không có quyền thừa kế di sản của bà Hoa.
Ông Khanh đã có hành vi: khai không đúng sự thật về thời gian bắt đầu sống chung với bà Hoa; đồng thời dựa vào nội dung xác nhận không đúng của cảnh sát khu vực Nguyễn Thanh Sơn để tự nhận mình là chồng, là người thừa kế duy nhất của bà Hoa và thực hiện việc khai nhận di sản thừa kế của bà Hoa. Hành vi của ông Khanh là trái pháp luật, có dấu hiệu của việc ngụy tạo tài liệu, chứng cứ.
Căn cứ vào các nhận định đã nêu, đối chiếu nội dung sự việc đã được xác định với các quy định của pháp luật thì bà Cúc (mẹ đẻ của bà Hoa) là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà Hoa và là người duy nhất được thừa kế di sản của bà Hoa.
Với các lý do đã nêu, Hội đồng xét xử chấp nhận việc bà Cúc yêu cầu được thừa kế toàn bộ di sản của bà Hoa để lại là ½ trị giá nhà, đất số 70 đường Lạc Long Quân, Phường 3, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo kết quả định giá của Hội đồng định giá vào ngày 11/5/2012 thì nhà và đất số 70 đường Lạc Long Quân, Phường 3, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh có tổng trị giá là 4.235.834.000đ. Như vậy, phần di sản mà bà Cúc được hưởng có trị giá là 2.117.917.000đ (4.235.834.000đ : 2 = 2.117.917.000đ).
Như đã nhận định, nhà và đất số 70 đường Lạc Long Quân, Phường 3, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh là tài sản chung của bà Hoa và ông Khanh. Từ thời điểm bà Hoa chết, ½ trị giá nhà, đất đã nêu trở thành di sản thừa kế của bà Hoa. Bà Cúc là mẹ đẻ của bà Hoa, là người được thừa kế toàn bộ di sản của bà Hoa. Phần trị giá nhà, đất còn lại là tài sản của ông Khanh.
Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Cúc và ông Khanh không thỏa thuận được với nhau về việc phân chia nhà, đất. Căn nhà số 70 đường Lạc Long Quân, Phường 3, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh có kết cấu và đặc điểm như sau: tường gạch, sàn bê tông cốt thép, mái bê tông cốt thép và tôn, nhà có 4 tầng; mặt tiền của căn nhà hướng ra đường Lạc Long Quân có chiều rộng là 3,8m - đây cũng là lối đi duy nhất từ trong nhà ra đường giao thông công cộng. Với kết cấu và đặc điểm như đã nêu, việc chia căn nhà làm hai phần sẽ không đảm bảo được tính công bằng cũng như hiệu quả sử dụng. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho các bên, căn cứ theo quy định tại Điều 223, Điều 224 và Điều 685 Bộ luật Dân sự 2005, Hội đồng xét xử dành cho bà Cúc và ông Khanh một khoảng thời gian là 3 tháng để tự thỏa thuận với nhau về việc phân chia hoặc bán phần nhà, đất thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của mình cho người còn lại. Hết thời hạn đã nêu, nếu các bên vẫn không thỏa thuận giải quyết được thì sẽ tiến hành phát mãi nhà, đất để phân chia cho ông Khanh và bà Cúc mỗi người một nửa.
Tại phiên tòa, bà Võ Thị Hồng Nga (người đại diện hợp pháp của ông Khanh) còn nêu ra ý kiến và lập luận như sau: Giả sử quan hệ hôn nhân giữa bà Hoa và ông Khanh không được pháp luật thừa nhận thì cũng chưa đủ cơ sở để xác định bà Cúc là mẹ đẻ của bà Hoa. Bởi lẽ, theo lời khai của bà Hoa khi còn sống (bản khai nhân khẩu với Cơ quan Công an) thì mẹ bà Hoa là bà Nguyễn Thị Cúc, sinh năm 1941, cư trú tại Bà Điểm, Hóc Môn, nhưng thực tế thì bà Cúc (nguyên đơn) sinh năm 1941 và cư trú tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Nếu xác định đúng bà Cúc là mẹ đẻ của bà Hoa thì bà Cúc cũng chưa đủ điều kiện để thừa kế toàn bộ di sản của bà Hoa, vì cần phải làm rõ cha của bà Hoa là ai, còn sống hay đã chết.
Hội đồng xét xử nhận định về việc này như sau:
Do bà Hoa không chung sống với bà Cúc từ thuở nhỏ nên việc bà Hoa khai trình không chính xác về năm sinh của bà Cúc là điều có thể cảm thông và chấp nhận được; xã Xuân Thới Thượng và xã Bà Điểm đều thuộc địa phận huyện Hóc Môn và có vị trí giáp ranh với nhau, bà Hoa thì lại không sinh sống tại những nơi này nên việc nhầm lẫn cũng là điều bình thường và có thể chấp nhận. Hơn nữa, việc xác định bà Cúc có phải là mẹ đẻ của bà Hoa hay không, không chỉ căn cứ vào lời khai của bà Hoa (khi còn sống) mà còn phải căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ khác như quá trình cư trú, quá trình sống chung với người thân của bà Hoa, lời khai của người sống chung với bà Hoa từ thuở nhỏ.… như đã được trình bày ở phần trên. Do vậy, không thể chỉ dựa vào sự sai sót đã nêu để phủ nhận quan hệ mẹ con giữa bà Cúc với bà Hoa.
Phía bà Cúc đã khai trình rằng, vào khoảng năm 1960, do còn trẻ và suy nghĩ không chính chắn nên bà Cúc có quan hệ nam nữ với một người đàn ông và sinh ra bà Hoa. Vì chỉ là quan hệ nam nữ nhất thời nên bà Cúc không biết lai lịch cha đẻ của bà Hoa. Vào thời điểm còn sống, khi lập phiếu kê khai nhân khẩu, bà Hoa cũng chỉ biết và khai trình rằng cha tên là Đường Chăm (đã chết). Với các lý do đã nêu, việc yêu cầu làm rõ lai lịch của cha bà Hoa là điều không thể thực hiện. Việc xác định cha bà Hoa là ai, sống hay chết hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến quyền, lợi ích của ông Khanh. Do vậy, việc bà Nga đặt vấn đề phải làm rõ lai lịch của cha bà Hoa rõ ràng là chỉ để nhằm mục đích gây trở ngại, cản trở bà Cúc thực hiện quyền thừa kế di sản của bà Hoa mà thôi.
Hơn nữa, tại khoản 1 Điều 687 Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định rằng
: “Trong trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Như vậy, nếu giả sử sau này có người nhận là cha của bà Hoa và họ chứng minh được thì sẽ áp dụng quy định này giải quyết, quyền lợi của người được xác định là cha của bà Hoa vẫn được bảo đảm. Không thể lấy lý do chưa rõ lai lịch của cha bà Hoa để không thực hiện việc giải quyết phân chia di sản.
Với các nhận định đã nêu, Hội đồng xét xử không chấp nhận những ý kiến và lập luận của bà Nga.
Về việc xác định tư cách người tham gia tố tụng. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân Quận 11 có triệu tập ông Lưu Xi vào tham gia tố tụng. Ông Lưu Xi cho biết mình là cậu ruột của bà Hoa. Theo tài liệu có trong hồ sơ thì ông Lưu Xi và bà Hoa sống chung tại địa chỉ số 23/18 ấp Cộng Hòa I, đường Lê Văn Thạnh, xã Hạnh Thông, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là 23/18 Huỳnh Khương An, Phường 5, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) từ ngày 12/6/1971 đến ngày 02/11/1995. Ông Lưu Xi đã có lời khai tại Tòa án và xin được giải quyết vắng mặt. Trong lời khai của mình, ông Lưu Xi xác nhận bà Cúc là mẹ đẻ của bà Hoa; đồng thời cho biết rằng không có yêu cầu hoặc tranh chấp gì đối với việc chia di sản của bà Hoa. Qua xem xét hồ sơ vụ án, cũng không có căn cứ để cho rằng việc giải quyết tranh chấp thừa kế di sản của bà Hoa có liên quan đến quyền, lợi ích của ông Lưu Xi. Do vậy, Hội đồng xét xử thống nhất xác định ông Lưu Xi không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nên không cần thiết đưa vào tham gia tố tụng.
Về án phí, chi phí định giá. Việc xác định người phải chịu án phí, mức án phí, chi phí định giá được áp dụng theo quy định của Điều 131 và 138 Bộ luật Tố tụng Dân sự và Pháp lệnh về án phí lệ phí Tòa án.
Yêu cầu của bà Cúc được chấp nhận nên ông Khanh phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm là 74.358.340đ
Hoàn trả cho bà Cúc số tiền tạm ứng án phí mà bà Cúc đã nộp là 24.895.850đ.
Chí phí định giá là 1.400.000đ, phía bà Cúc tự nguyện chịu và đã nộp đủ cho Hội đồng định giá, Hội đồng xét xử ghi nhận.
Vì các lẽ trên, QUYẾT ĐỊNH Áp dụng khoản 5 Điều 25, điểm a khoản 1 Điều 33, điểm c khoản 1 Điều 35, Điều 131, Điều 138 Bộ luật Tố tụng Dân sự; Điều 223, Điều 224, Điều 634, Điều 675, Điều 676 và Điều 685 Bộ luật Dân sự năm 2005; điểm c mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội; Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: 1. Chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Cúc về việc yêu cầu được hưởng thừa kế di sản của bà Đường Thị Kim Hoa là ½ trị giá nhà và đất số 70 đường Lạc Long Quân, Phường 3, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh.
Xác định ½ trị giá nhà và đất số 70 đường Lạc Long Quân, Phường 3, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh là di sản của bà Đường Thị Kim Hoa; phần trị giá nhà, đất còn lại là tài sản của ông Võ Văn Khanh.
Bà Nguyễn Thị Cúc là người thừa kế duy nhất của bà Đường Thị Kim Hoa, được hưởng thừa kế toàn bộ di sản của bà Đường Thị Kim Hoa.
Việc phân chia phần tài sản của ông Võ Văn Khanh và phần di sản của bà Đường Thị Kim Hoa cho bà Nguyễn Thị Cúc được thực hiện như sau:
Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật, bà Hoa và ông Khanh có quyền thỏa thuận với nhau về việc phân chia hoặc bán phần tài sản của mình cho bên còn lại; nếu hết thời hạn đã nêu mà các bên không thỏa thuận giải quyết được thì một hoặc cả hai bên có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án Dân sự có thẩm quyền tiến hành phát mãi nhà, đất số 70 đường Lạc Long Quân, Phường 3, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh để chia. Số tiền phát mãi nhà sau khi trừ chi phí phát mãi, chi phí thi hành án theo quy định, phần còn lại sẽ được chia đều làm hai phần, bà Cúc và ông Khanh mỗi người được hưởng một phần.
2.Về án phí, chi phí định giá.
Ông Võ Văn Khanh phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 74.358.340đ (bảy mươi bốn triệu ba trăm năm mươi tám ngàn ba trăm bốn mươi đồng).
Hoàn trả cho bà Nguyễn Thị Cúc số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 24.895.850đ (hai mươi bốn triệu tám trăm chín mươi lăm ngàn tám trăm năm mươi đồng) – theo các biên lai thu tiền 08819 ngày 28/9/2011 và 09707 ngày 28/5/2012 của Chi cục Thi hành án Dân sự Quận 11.
Ghi nhận việc phía bà Cúc tự nguyện chịu toàn bộ số tiền chi phí định giá là 1.400.000đ (phía bà Cúc đã nộp đủ cho Hội đồng định giá).
3. Các đương sự được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
4.Trong trường hợp bản án được thi hành theo Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.
Chúng tôi trên mạng xã hội