Câu hỏi:
Năm 2007 nhà em có bán một mảnh đất bằng giấy viết tay, có chữ ký của bố, mẹ em nhưng lại không có chữ ký của em (em lúc đó đủ 16 tuổi rồi, sổ hộ khẩu làm năm 1992, sổ đỏ cấp năm 2001). Nhà em muốn trả lại số tiền cho bên mua + lãi suất nhưng bên mua không chịu, họ thuê xã hội đen uy hiếp gia đình em phải bàn giao sổ đỏ mảnh đất này, theo em biết theo điều 109 bộ luật dân sự và điều 20 bộ luật dân sự thì em có quyền tham gia vào giao dịch này đúng không? Tiếp nữa em được biết giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất phải thông qua văn phòng công chứng theo luật quy định năm 2005 đúng không? Em muốn vô hiệu hoá tờ giấy mua bán đó có được không? Và thủ tục để đưa lên toà giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Thời điểm gia đình bạn chuyển nhượng nhà đất nêu trên là năm 2007, nên phải áp dụng theo Luật Đất đai 2003 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009). Theo đó, Điều 127 Khoản 1 Điểm b Luật Đất đai 2003 (Sửa đổi, bổ sung 2009) quy định: “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng nhà nước; trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.”
Như vậy, kể từ thời điểm 1/7/2004 khi Luật Đất Đai 2003 có hiệu lực đến nay, tất cả các hợp đồng chuyển nhượng bằng giấy viết tay hoặc giao dịch bằng miệng đều không được công nhận.
Vấn đề này cũng được quy định rõ tại Điều 167 Khoản 3 Điểm a Luật Đất đai 2013: “a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;”
Về vấn đề bạn có được quyền tham gia vào giao dịch sử dụng đất hay không thì cần phải xem xét thửa đất nêu trên được cấp cho hộ gia đình của bạn hay cấp cho bố và mẹ bạn, căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo điểm a, Khoản 1 Điều 106 Luật Đất đai 2003 (sửa đổi bổ sung năm 2009), chỉ người sử dụng đất hợp pháp theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới quyền chuyển nhượng.
“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 110; khoản 2 và khoản 3 Điều 112; các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 113; khoản 2 Điều 115; điểm b khoản 1, các điểm b, c, d, đ và e khoản 3 Điều 119; điểm b khoản 1, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 120 của Luật này khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;”
Trong trường hợp thửa đất nêu trên do bố, mẹ bạn là người sử dụng đất hợp pháp thì chỉ cần có sự đồng ý của bố mẹ bạn.
Trong trường hợp thửa đất nêu trên là đất của hộ gia đình thì mới áp dụng theo Khoản 2 Điều 109 Bộ luật Dân sự 2005: “2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý”.
Trường hợp có căn cứ để xác định hợp đồng đã giao kết vô hiệu, bạn có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu, hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức được xử lý theo Điều 134 BLDS 2005“Điều 134. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu »
Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường (Khoản 2 Điều 137 BLDS 2005).