Xử phạt hành chính hành vi vi phạm pháp luật về đất đai

Câu hỏi:
Công ty Cổ phần Xây dựng và kinh doanh bất động sản TP (công ty TP) có trụ sở tại số 4 đường TG, xã K, huyện A, tỉnh B. Tháng 8/2014, công ty TP có dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở giá rẻ cho người dân trên diện tích 4 ha tại huyện A, tỉnh B. Do khó khăn trong việc huy động vốn nên công ty TP không đầu tư xây nhà, đường giao thông, điện, nước… cho dự án mà chủ trương phân lô, bán nền, chuyển nhượng đất trực tiếp cho khách hàng khi chưa được UBND tỉnh B cho phép. Thực tế, ngày 25/5/2015, công ty TP đã ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng lô đất với diện tích 100m2 cho gia đình chị H, anh L ở huyện A với giá 500.000.000 đồng. Bên mua đã trả đủ tiền và chuẩn bị làm nhà trên đất được công ty TP chuyển giao. Biết được thông tin trên, UBND huyện A đã ra quyết định xử phạt hành chính công ty TP 120.000.000 đồng và yêu cầu công ty TP phải có trách nhiệm thực hiện đúng mục đích xây dựng được ghi rõ trong quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền. Công ty TP không đồng ý vì cho rằng quyết định đó được ban hành sai thẩm quyền và mức phạt quá cao.
Trả lời:
Văn phòng luật sư Tô Đình Huy trả lời: 
Cơ sở pháp lý của Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty A
Theo Luật Đất đai năm 2013, người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại.[1]
Đối với mỗi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
-  Các hình thức xử phạt chính bao gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền.
 - Hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép từ 06 tháng đến 09 tháng hoặc đình chỉ hoạt động từ 09 tháng đến 12 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực theo quy định tại Khoản 3 Điều 25 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính). Khung phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định 102/NĐ-CP là khung phạt tiền áp dụng cho cá nhân, trừ các trường hợp quy định tại các Điều 15, 16, 17, 18, 19, Khoản 3 Điều 21, Điều 22, Điều 23, Khoản 2 Điều 25, Điều 26 và Điều 30 của Nghị định 102/2014/NĐ-CP là khung phạt tiền áp dụng cho tổ chức;  Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân; Hộ gia đình, cộng đồng dân cư có hành vi vi phạm thì được áp dụng xử lý như đối với cá nhân; cơ sở tôn giáo có hành vi vi phạm thì được áp dụng xử lý như đối với tổ chức; Thẩm quyền phạt tiền quy định tại các Điều 31, 32 và 33 của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân. Thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân.[2]
Chương 3 Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của các cơ quan Nhà nước. Theo đó, các cơ quan nhà nước sau sẽ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp[3]
- Thanh tra chuyên ngành đất đai[4]
- Các cơ quan khác[5].
Theo tình huống đã cho, công ty TP đã tự ý phân lô chuyển nhượng quyền sử dụng đất (bán nền) cho chị H, anh L khi chưa có sự chấp thuận của UBND huyện A. Đây là hành vi vi phạm hành chính và bị xử phạt hành chính theo Điều 15 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ thay thế nghị định Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Khoản 1 Điều 15 quy định: “1. Hành vi tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê mà chưa được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép thì hình thức và mức xử phạt như sau…….”
Dự án xây dựng kinh doanh nhà ở giá rẻ cho người dân của công ty TP được xây dựng trên diện tích 4 ha. Do đó mức tiền phạt theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP quy định: Trong trường hợp chủ đầu tư phân lô, bán nền khi chưa được UBND tỉnh cho phép thì “… Phạt tiền từ trên 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với dự án có diện tích đất từ 03 héc ta đến dưới 05 héc ta;….”. Đây là mức phạt áp dụng cho chủ thể vi phạm là tổ chức[6]. Công ty Cổ phần TP là một tổ chức, vì vậy mức phạt vi phạm hành chính 120.000.000 đồng là đúng quy định pháp luật.
Điều 31 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Khoản 2 Điều 31 NĐ 102/2014/NĐ-CP chỉ rõ thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai như sau:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại Điểm b Khoản này;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; buộc làm thủ tục đính chính Giấy chứng nhận bị sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung; buộc hủy bỏ giấy tờ giả liên quan đến việc sử dụng đất; buộc trả lại diện tích đất đã nhận chuyển quyền do vi phạm.
Căn cứ vào những quy định này thì việc UBND huyện A xử phạt hành chính đối với hành vi phân lô, bán nền đất dự án thương mại chưa được UBND tỉnh B cho phép với mức phạt 120.000.000 đồng là không đúng thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm hành chính của công ty TP là UBND tỉnh B vì Khoản 3 Điều 31 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP quy định: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:… b) Phạt tiền đến 500.000.000 đồng;…..”



[1] Điều 206 Luật Đất đai 2013
[2] Xem Điều 4 NĐ 102/2014/NĐ-CP
[3] Xem Điều 31 NĐ 102/2014/NĐ-CP
[4] Xem Điều 32 NĐ 102/2014/NĐ-CP
[5] Xem Điều 33 NĐ 102/2014/NĐ-CP
[6] Xem Khoản 3 Điều 4 NĐ 102/2014/NĐ-CP

Bạn muốn tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website chúng tôi hoặc gọi tổng đài tư vấn 0909 160684 để được luật sư tư vấn trực tiếp.

Gọi 0909160684 hoặc gởi yêu cầu trực tuyến

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây