Câu hỏi:
Chị hàng xóm nhà tôi tìm đến một dịch vụ làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vợ chồng chị đang sử dụng. Tuy nhiên, ở đây họ yêu cầu nhiều giấy tờ mà chị không biết làm thế nào (giấy chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh của bố mẹ chồng…). Diện tích đất vợ chồng chị ở đứng tên mẹ chồng đã mất hơn 10 năm, không có di chúc, nhà chồng có bảy tám anh chị em nhưng có người không đồng ý để vợ chồng chị thừa kế. Sau đó, chị tìm đến một địa chỉ khác, tại đây họ không yêu cầu phải cung cấp giấy tờ gì ngoài “bìa đỏ” mang tên mẹ chồng. Trường hợp nhà chị khá phức tạp nhưng giấy tờ phải nộp đơn giản vậy thì có đúng pháp luật hay không? Nếu vi phạm thì bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Hồ sơ đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 23 Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21/10/2009 quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất gồm các giấy tờ:
- Biên bản phân chia di sản thừa kế hoặc bản án, quyết định giải quyết tranh chấp của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật;
- Giấy tờ về quyền dụng đất theo quy định tại Điều 50 của Luật Đất đai.
Như vậy, việc thừa kế quyền sử dụng đất chỉ phải nộp giấy tờ về quyền sử dụng đất là chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, vi phạm quy định về thủ tục tại Điều 12 Nghị định số 105/2009/NĐ-CP. Hành vi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất mà không thực hiện đúng thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật về đất đai thì bị phạt tiền từ hai trăm nghìn đồng (200.000) đến mười triệu đồng (10.000.000) tùy theo khu vực và loại đất. Đối với đất phi nông nghiệp, người sử dụng đất thực hiện thừa kế không đúng với thủ tục quy định sẽ bị xử phạt từ năm trăm nghìn (500.000) đồng đến năm triệu (5.000.000) đồng tại khu vực nông thôn; một triệu (1.000.000) đồng đến mười triệu (10.000.000) đồng tại khu vực đô thị.
Ngoài ra, người vi phạm còn buộc phải thực hiện đúng thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật về đất đai.
Chúng tôi trên mạng xã hội