Người lập di chúc không biết đọc biết viết

Câu hỏi:
Xin chào luật sư. Bác trả lời giúp tôi câu hỏi sau với: Thửa đất và vườn,ao thổ cư nhiều đời để lại diện tích là 800m2 mang tên ông A.Năm 1999 ông A chết. Năm 2002 bà B( vợ ông A) có giấy tờ cho tặng con trai C với nội dung cụ thể cho nhà và diên tích đât 450m2( có số đo chiều dài và chiều rộng, các mặt tiếp giáp cụ thể ). Giấy viết này vì bà B không biết chữ mà đọc cho con dâu viết hộ,bà B không có điểm chỉ vào giấy cho tặng đó mà có chữ ki chứng kiến của 5 người con còn lại của bà (còn duy nhất có 1 người con gái bị thiểu năng trí tuệ không biết chữ ở vậy là không kí nhận được ). Thời gian viết trong giấy cho tăng không ghi rõ nhưng có ngày tháng năm chứng thực của UBND xã với nội dung: UBND xã chứng thực là bà B cho anh C diện tích nhà và đất có sự đồng ý của tất cả các con .Vậy tôi muốn hỏi luật sư xem giấy tờ cho tặng đó có hiệu lực không? Giấy đó có thể gọi là di chúc hay thay thế cho hợp đồng cho tăng không?
Trả lời:
Văn phòng luật sư Tô Đình Huy trả lời:
Thứ nhất, quyền sử dụng thửa đất mà bạn nêu thuộc quyền sở hữu của ông A. Ông A chết năm 1999 không để lại di chúc. Như vậy, cha mẹ ông A (nếu còn sống), vợ ông A là bà B và các con ông A (kể cả người con gái bị thiểu năng) là những người được hưởng thừa kế phần tài sản này. Do đó, việc quyết định tặng cho quyền sử dụng đất cho bất kỳ người thừa kế nào cũng cần có sự đồng ý của tất cả những người thừa kế còn lại. Đối với trường hợp người con gái bị thiểu năng trí tuệ thì cần phải xác định rõ:
-         Nếu chỉ hạn chế năng lực hành vi đối với một số việc nhưng vẫn có khả năng nhận thức được vấn đề thì sẽ phải điểm chỉ thay cho việc ký tên vì không biết viết.
-         Nếu mất năng lực hành vi dân sự (tức không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi) và cũng không lập gia đình thì người mẹ là giám hộ đương nhiên, có quyền quyết định thay con gái trong các vấn đề tuy nhiên không có quyền quyết định tặng cho phần quyền sử dung đất mà người con gái này được hưởng từ bố.

Khoản 3 Điều 62, Khoản 2 Điều 69 Bộ luật dân sự 2005 quy định:

“3. Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Điều 69. Quản lý tài sản của người được giám hộ

2. Người giám hộ được thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác.”

Thứ hai, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo đó, văn bản tặng cho này không phải là di chúc và không thay thế di chúc vì di chúc phải thể hiện ý chí của chủ sở hữu tài sản (ông A).
Điểm b khoản 1 Điều 129 Luật Đất đai năm 2003 quy định như sau:
“1. Việc nộp hồ sơ thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất được quy định như sau:
b) Hồ sơ thừa kế quyền sử dụng đất gồm di chúc hoặc biên bản phân chia thừa kế hoặc bản án, quyết định giải quyết tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trường hợp người được nhận thừa kế là người duy nhất thì hồ sơ thừa kế gồm đơn đề nghị và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hồ sơ tặng cho quyền sử dụng đất gồm văn bản cam kết tặng cho hoặc hợp đồng tặng cho hoặc quyết định của tổ chức tặng cho quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Văn bản cam kết tặng cho hoặc hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất hoặc chứng nhận của công chứng nhà nước.
Theo đó, việc tặng cho nhà đất của cá nhân phải lập thành văn bản có thể dưới các dạng sau: cam kết tặng cho hoặc hợp đồng tặng cho. Như vậy, việc lập giấy tờ tặng cho có thể thay thế hợp đồng tặng cho.
Thứ ba, hiệu lực của giấy tờ tặng cho:
Điều 11 Nghị định 84/2004/NĐ-CP quy định:
1. Trường hợp người đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất hoặc nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở (sau đây gọi là người nhận chuyển quyền) trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà chưa được cấp Giấy chứng nhận nhưng có giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của bên chuyển quyền (không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc chuyển quyền) thì không phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, người nhận chuyển quyền nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 135 hoặc khoản 1 Điều 136 Nghị định số 181/2004/ NĐ-CP.
Căn cứ theo quy định trên thì kể cả việc tặng cho không có công chứng, chứng thực thì không phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất vẫn có quyền nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, giấy tờ chuyển quyền hay giấy tờ tặng cho phải có chữ ký của bên chuyển quyền. Trong trường hợp này, giả sử bố mẹ ông A không còn sống, phần đất còn lại đảm bảo phần của người con gái bị thiểu năng trí tuệ được hưởng nếu chia thừa kế theo pháp luật thì những người chuyển quyền sử dụng đất 450 m2 cho anh C là 5 người con còn lại và bà B. Vì bà B không trực tiếp ghi, không có chữ ký cũng như không điểm chỉ nên căn cứ về mặt văn bản không có bất kỳ căn cứ nào thể hiện được ý chí của bà B. Tuy nhiên, nếu anh C tại thời điểm làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà B biết và không có tranh chấp thì anh C đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bạn muốn tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website chúng tôi hoặc gọi tổng đài tư vấn 1900 6279 để được luật sư tư vấn trực tiếp.
Trân trọng,

Bạn muốn tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website chúng tôi hoặc gọi tổng đài tư vấn 0909 160684 để được luật sư tư vấn trực tiếp.

Gọi 0909160684 hoặc gởi yêu cầu trực tuyến

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây