Tranh chấp bồi thường do tai nạn giao thông
Nội dung vụ án:
Nguyên đơn ông Nguyễn Thiện Th trình bày:
Ông là chồng bà Nguyễn Thị Kh. Vợ chồng ông sinh được 05 người con là anh Nguyễn Thiện X, anh Nguyễn Thiện Q, anh Nguyễn Thiện Đ, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị N.
Bà Kh là nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông xảy ra vào khoảng 11h ngày 24/1/2008 tại Km 32+380 tỉnh lộ 419 thuộc địa phận xóm Tiếu, xã Đại Y, huyện Chương M, Hà N với người đi xe đạp là cháu Lương Thành Tr, sinh năm 1997 (con đẻ của anh Lương Văn H, chị Nguyễn Thị Hải Yến). Cháu Tr đi xe đạp đã đâm vào bà Kh làm bà ngã xuống đường bị chấn thương sọ não.
Ngay sau khi xảy ra tai nạn, gia đình đã đưa bà đi cấp cứu và điều trị tại Viện Quân y 103 đến ngày 25/01/2008 thì bà chết. Ngoài chi phí cứu chữa, mai táng cho bà Kh, bà chết, ông và các con ông bị đau đớn về tinh thần vì vậy ông khởi kiện yêu cầu vợ chồng anh H, chị Y phải bồi thường cho ông và các con tiền mai táng phí; tiền chi phí cứu chữa cho bà, tiền tổn thất về tinh thần cho ông và 5 người con của ông và bà là anh X, anh Q, anh Đ, chị L, chị N số tiền tổng cộng là 70.320.300 đồng.
Bị đơn anh Lương Viết H và chị Nguyễn Thị Hải Y
trình bày:
Khi xảy ra tai nạn giữa cháu Tr và bà Kh là do bà Kh đi trái đường, cháu Tr con anh chị đã đi đúng phần đường của mình, do đó, cháu Tr không có lỗi trong việc bà Kh chết.
Tuy nhiên, sau khi vụ tai nạn xảy ra, gia đình anh đã đến nhà bà Kh thăm hỏi và đưa cho gia đình ông Th 5.000.000 đồng để chi phí mai táng cho bà Kh. Lúc đó, gia đình ông Th yêu cầu anh chị phải bồi thường 15.000.000 đồng và phải xin lỗi cả họ nhà ông, anh không đồng ý.
Nay, ông Th có yêu cầu anh bồi thường anh không đồng ý và đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật.
Anh Nguyễn Thiện X, anh Nguyễn Thiện Q, anh Nguyễn Thiện Đ, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị N trình bày nhất trí với yêu cầu khởi kiện của ông Th và ủy quyền cho ông tham gia tố tụng tại Tòa án.
Tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện:
Nguyên nhân xảy ra tai nạn do bà Kh không đi đúng chiều đường quy định, cháu Tr đi xe đạp đã đâm vào bà, gây ra cái chết cho bà. Tiền mai táng phí cho bà Kh hết 7.100.000 đồng; tiền chi phí y tế, chăm sóc trong thời gian bà Kh điều trị ở Viện Quân Y 103 hết 12.200.000 đồng. Anh Nguyễn Thiện X, anh Nguyễn Thiện Q, anh Nguyễn Thiện Đ, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị N đều đã đủ 18 tuổi.
Bình luận:
* Về quan hệ pháp luật tranh chấp:
Vụ tai nạn giao thông ngày 24/01/2008 giữa cháu Lương Thành Tr (con anh H và chị Y) và bà Nguyễn Thị Kh tại Km 32+380 tỉnh lộ 419 thuộc xã Đại Y, huyện Chương M đã dẫn đến hậu quả bà Kh bị hôn mê sâu, chấn thương sọ não và tử vong ngày 25/01/2008. Ông Th, chồng bà Kh yêu cầu anh H, chị Y phải bồi thường thiệt hại chi phí mai táng, chi phí cứu chữa và tiền tổn thất về tinh thần cho ông và các con số tiền tổng cộng là 70.320.300 đồng. Như vậy, theo tình tiết vụ án và yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chúng ta xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tính mạng bị xâm phạm theo quy định khoản 6 Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 610 BLDS năm 2005.
* Ai là người gây thiệt hại?
Theo tình tiết vụ án thì khoảng 11h ngày 24/01/2008 tại Km 32+380 tỉnh lộ 419 thuộc địa phận xóm Tiếu, xã Đại Y, huyện Chương M, Hà N, bà Kh đi bộ (đi trái chiều đường). Cháu Tr đi xe đạp đã đâm vào bà Kh làm bà ngã xuống đường bị chấn thương sọ não. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, bà Kh được đưa đi cấp cứu và điều trị tại Viện Quân y 103 đến ngày 25/01/2008 thì bà chết.
Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì nguyên nhân xảy ra tai nạn do bà Kh không đi đúng chiều đường quy định, cháu Tr đi xe đạp đúng phần đường nhưng đã đâm vào làm bà, ngã xuống đường gây chấn thương sọ não dẫn đến tử vong. Như vậy, trong vụ án này cả bà Kh và cháu Tr đều có lỗi. Bà Kh do đi không đúng chiều đường quy định dẫn đến gây thiệt hại về tính mạng cho chính mình. Phía cháu Tr mặc dù đi xe đạp đúng chiều đường quy định nhưng do không quan sát mặt đường, khi phát hiện ra bà Kh thì khoảng cách đã quá gần, nên cháu Tr đã không kịp xử lý để xe đạp đâm vào bà Kh, làm bà Kh bị ngã xuống đường bị chấn thương sọ não dẫn đến tử vong nên cũng có một phần lỗi. Vì vậy, đây bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại theo quy định tại Điều 617. Bà Kh và cháu Tr đều là người gây thiệt hại, nên người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình.
Ðiều 617 BLDS năm 2005 quy định:
Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi
Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.
* Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Hành vi điều khiển xe đạp thiếu quan sát của cháu Tr là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết của bà Kh, do cháu Tr có một phần lỗi gây thiệt hại. Tại thời điểm gây thiệt hại cháu Tr mới 11 tuổi. Vì vậy, theo quy định tại Điều 606 BLDS năm 2005 anh H, chị Y là bố mẹ của cháu Tr là đại diện đương nhiên theo pháp luật của cháu Tr nên anh H, chị Y phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng cho bà Kh và tổn thất tinh thần cho ông Th và các con của bà Kh là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật.
Ðiều 606 BLDS năm 2005 quy định:
Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân
1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
2. Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Ðiều 621 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
* Về xác định thiệt hại:
Theo quy định tại Điều 610 BLDS thì thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại (hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng); mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Trong vụ án này, nguyên đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là các con bà Kh chỉ yêu cầu chi phí cho việc cứu chữa cho bà trước khi chết; chi phí cho việc mai táng và tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho chồng và các con bà Kh, do vậy, chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu của đương sự, do đó, không xem xét, giải quyết các chi phí khác. Tiền mai táng phí cho bà Kh hết 7.100.000 đồng; tiền chi phí y tế trong thời gian bà Kh điều trị ở Viện Quân Y 103 hết 12.200.000 đồng. Do đó, anh H, chị Y phải bồi thường thiệt hại cho cháu Tr các thiệt hại về mai táng phí và y tế theo mức độ lỗi của cháu Tr. Về bồi thường thiệt hại để bù đắp tổn thất tinh thần, anh H, chị Y cho rằng các con của ông Th, bà Kh đã trưởng thành nên không đồng ý bồi thường. Tuy các con của ông Th, bà Kh là anh Nguyễn Thiện X, anh Nguyễn Thiện Q, anh Nguyễn Thiện Đ, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị N đều đã trưởng thành, nhưng việc bà Kh là vợ, là mẹ, là chỗ dựa về tình thần cho ông Th và các con. Do đó bà Kh chết là sự mất mát không gì có thể bù đắp được nên chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại để bù đắp tổn thất tinh thần của nguyên đơn, buộc anh H, chị Y có trách nhiệm bồi thường cho ông Th và các con của bà Kh mỗi người theo mức độ tổn thất về tinh thần 05 tháng lương tối thiểu phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật.
Từ những căn cứ trên, vụ việc có thể được giải quyết như sau:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của ông Nguyễn Thiện Th đối với anh Lương Viết H, chị Nguyễn Thị Hải Y.
2. Buộc anh Lương Viết H, chị Nguyễn Thị Hải Y phải bồi thường cho ông Nguyễn Thiện Th: tiền mai táng phí; tiền chi phí cứu chữa bà Kh theo mức độ lỗi của cháu Tr; tiền tổn thất về tinh thần cho ông Th 05 tháng lương tối thiểu.
3. Buộc anh Lương Viết H, chị Nguyễn Thị Hải Y phải bồi thường cho mỗi người con của ông Th bà Kh là anh Nguyễn Thiện X, anh Nguyễn Thiện Q, anh Nguyễn Thiện Đ, chị Nguyễn Thị N, chị Nguyễn Thị L tiền tổn thất về tinh thần là 05 tháng lương tối thiểu.
Nguồn tin: Bộ Tư Pháp
Ý kiến bạn đọc