Tranh chấp thừa kế theo di chúc - bản án
Thứ hai - 04/01/2016 08:50
Nội dung vụ án:
Cụ Bùi Văn P chết ngày 29/12/2002. Cụ Hoàng Thị C chết ngày 03/01/1995.
Sinh thời các cụ sinh được 04 người con là ông Bùi Văn T, ông Bùi Văn H, ông Bùi Văn Th, bà Bùi Thị M. Ngoài ra, các cụ không có người con riêng, con nuôi nào khác.
Tài sản thuộc sở hữu chung của hai cụ khi còn sống gồm: Diện tích nhà, đất 57m2 tại số 8 HĐ, quận HK, thành phố H và diện tích 1396m2 đất tại tổ 18 phường NT, quận LB, thành phố H.
Đối với ngôi nhà tại số 8 HĐ thì năm 1954 do có người thuê nên hai cụ P và cụ C đã uỷ quyền cho anh Bùi Văn H tiến hành các thủ tục tại các cấp Toà án để đòi nhà. Theo Bản án số 02/DSST ngày 26/02/1993 của Toà án nhân dân quận HK đã tuyên “Xử chấp nhận yêu cầu đòi nhà cho thuê của ông Bùi Văn P do anh Bùi Văn H đại diện…”. Tại Bản án số 79/DSPT ngày 29/5/1993 của Toà án nhân dân thành phố H đã giữ nguyên bản án sơ thẩm nói trên của Toà án nhân dân quận HK.
Sau khi anh Bùi Văn H tiến hành việc đòi nhà theo sự ủy quyền và đã được cơ quan thi hành án tiến hành thi hành án bàn giao trả nhà số 8 HĐ thì hai cụ P và cụ C đã cùng anh H về sinh sống tại ngôi nhà này. Quá trình ở tại đây, anh H đã xây dựng, sửa chữa như làm toàn bộ trần bằng toocxi, lát lại toàn bộ nền nhà, xây mới khu phụ, làm lại gác xép, cầu thang… Đến năm 2002, anh Bùi Văn H đã làm thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà số 8 HĐ. Trên cơ sở đó, theo Quyết định số 1730/QĐ-UB ngày 19/3/2002 của Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) thành phố H, nhà số 8 HĐ đứng tên chủ sở hữu nhà, sử dụng đất là anh Bùi Văn H (Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hồ sơ gốc số 5019.2002 ngày 19/3/2002 của UBND thành phố H).
Còn đối với diện tích nhà, đất 1396m2 tại tổ 18 phường NT, quận LB, thành phố H cũng là di sản của hai cụ P và cụ C. Sinh thời hai cụ cũng có sinh sống tại nhà cấp 4 diện tích 52m2 được xây dựng trên thửa đất này cùng với vợ chồng anh Bùi Văn T. Sau này, nhà cấp 4 của các cụ được vợ chồng anh T sửa chữa, tôn tạo để sử dụng. Đến ngày 11/7/1999, cụ Bùi Văn P lập di chúc cho anh Bùi Văn T được toàn quyền sử dụng phần diện tích nhà đất tại tổ 18 phường NT.
Ông Bùi Văn T chết ngày 20/5/2001, có vợ là Lương Thị AH và 02 người con là anh Bùi Duy H, chị Bùi Thị X. Ngoài ra, vợ chồng ông T không có người con riêng, con nuôi nào khác.
Cụ Hoàng Thị C chết năm 1995 không để lại di chúc. Cụ Bùi Văn P chết năm 2002, có để lại di chúc định đoạt cho anh Bùi Văn T được toàn quyền sử dụng phần tài sản của cụ tại tổ 18 phường NT, quận LB, thành phố H.
Ngày 24/2/2010, bà Bùi Thị M có đơn khởi kiện ông Bùi Văn H, bà Lương Thị AH, anh Bùi Duy H về việc chia thừa kế di sản của hai cụ P và cụ C gồm ngôi nhà số 8 HĐ, quận HK, thành phố H và nhà, đất tại tổ 18 phường NT, quận LB, thành phố H. Tại đơn khởi kiện bổ sung ngày 26/8/2010, bà Bùi Thị M đề nghị Toà án chia thừa kế nhà số 8 HĐ theo pháp luật. Còn đối với nhà đất ở phường NT thì công nhận di chúc của cụ P, còn lại 1/2 là phần của cụ C do thừa kế hết thời hiệu nên đề nghị Toà án chia tài sản thuộc sở hữu chung. Nhưng sau đó, bà M lại thay đổi yêu cầu của mình đối với phần di sản nhà và đất tại tổ 18 phường NT hiện bà Lương Thị AH, anh Bùi Duy H đang quản lý, bà yêu cầu chia theo pháp luật vì di chúc của cụ P không có hiệu lực.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Bùi Văn Th đề nghị Toà án chia theo hiện vật và chia chung.
Phía bị đơn ông Bùi Văn H trình bày:
Sau khi được bố, mẹ ủy quyền đòi lại nhà số 8 HĐ, ông đã tiến hành các thủ tục để đòi lại nhà. Và sau khi đòi được thì hai cụ P và cụ C ở với ông và đã cho ông toàn bộ diện tích nhà này. Ông đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ngày 19/3/2002.
Quá trình sử dụng, ông đã xây dựng, sửa chữa như lát lại toàn bộ nền, xây mới khu phụ, làm mái cầu thang, gác xép, lợp mái… Nay trước yêu cầu chia thừa kế của phía nguyên đơn thì ông H không đồng ý chia, vì bố, mẹ ông đã cho ông ngôi nhà này. Còn đối với phần di sản tại tổ 18 phường NT, ông yêu cầu chia theo pháp luật.
Anh Bùi Duy H trình bày:
Về huyết thống gia đình, bố anh là Bùi Văn T là một trong 04 người con của cụ Bùi Văn P và cụ Hoàng Thị C. Bố anh mất năm 2001. Sinh thời, cụ P có di chúc để lại toàn bộ nhà, đất phần của cụ ở tổ 18 phường NT cho bố anh. Sau khi bố anh chết thì mẹ anh là Lương Thị AH và các con là Bùi Duy H, Bùi Thị X, vẫn quản lý, sử dụng. Nay trước yêu cầu của phía nguyên đơn, quan điểm của anh là không đồng ý chia thừa kế vì ông nội anh (Bùi Văn P) đã cho bố anh (Bùi Văn T) phần di sản của hai cụ. Đối với phần di sản của bà nội anh (Hoàng Thị C) anh cũng không đồng ý chia tài sản chung.
Bà Lương Thị AH và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Bùi Thị X trình bày thống nhất với quan điểm với anh Bùi Duy H.
Tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện:
Theo Công văn số 1941/TNMT và NĐ-CS ngày 30/3/2011 của Sở Tài nguyên, môi trường và nhà đất thì: Nhà số 8 HĐ, thành phố H trên thửa đất số 827 tờ bản đồ số 15, khu A nay bằng khoán điền thổ số 720, ĐX tên chủ sở hữu là ông Bùi Văn P và bà Hoàng Thị C, trước bạ và đăng ký tại thành phố H ngày 29/5/1956. Văn bản uỷ quyền được lập ngày 12/6/1992 của cụ P và cụ C ủy quyền cho ông H có nội dung: “Ông Bùi Văn P, bà Hoàng Thị C uỷ quyền cho con trai là Bùi Văn H thay mặt tiến hành việc đòi nhà số 8 HĐ, thành phố H… và đứng tên trước bạ cho con trai tôi”.
Bản di chúc ngày 11/7/1999 cụ Bùi Văn P có nội dung:
“Tôi là Bùi Văn P, vợ là Hoàng Thị C có một thửa đất thổ cư diện tích 1396m2 trên thửa đất có 01 ngôi nhà xây cấp 4, nhà bếp, nhà tắm (theo bản đồ địa chính số 154 tờ số 4 của xã). Tôi thấy tuổi đã cao, các con đều đã trưởng thành… Để tạo điều kiện cho con trai tôi là Bùi Văn T được toàn quyền sử dụng phần tài sản của tôi trên thửa đất tại là tổ 18, phường NT, quận LB, thành phố H và sau này có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên. Nay trong tình trạng thể chất tinh thần minh mẫn, tôi làm di chúc này giao toàn quyền tài sản của tôi cho con trai là Bùi Văn T được toàn quyền sử dụng”.
Về hình thức của bản di chúc có chữ ký của cụ Bùi Văn P là người lập di chúc, có xác nhận của 2 người làm chứng, có xác nhận của UBND xã NT, huyện GL (nay là phường NT, quận LB).
Bình luận:
* Về người để lại thừa kế, người thừa kế, thời điểm mở thừa kế, thời hiệu khởi kiện về thừa kế
Cụ Hoàng Thị C chết ngày 03/01/1995 để lại tài sản thừa kế, cụ Bùi Văn P chết ngày 29/12/2002. Sinh thời các cụ sinh được 04 người con là ông Bùi Văn T, ông Bùi Văn H, ông Bùi Văn Th, bà Bùi Thị M. Thời điểm ông T, cụ P chết là thời điểm BLDS năm 1995 đang có hiệu lực nên áp dụng các quy định về thừa kế của BLDS năm 1995 để giải quyết vụ án. Ngoài 04 người con đẻ cụ C và cụ P không có người con riêng, con nuôi nào khác. Ông Bùi Văn T chết năm 2001, sinh được 02 người con là anh Bùi Duy H, Bùi Thị X. Căn cứ Điều 634 BLDS năm 1995 xác định cụ C, cụ P là người để lại thừa kế. Theo Điều 638 BLDS năm 1995 thì ông T, ông H, ông Th, bà M là người thừa kế di sản của cụ C. Tuy nhiên theo tình tiết trong vụ án, ông T chết trước cụ P nên không được thừa kế tài sản của cụ P, vì vậy theo Điều 680 BLDS năm 1995 thì anh Bùi Duy H, chị Bùi Thị X là người thừa kế thế vị hưởng di sản của cụ P để lại. Vì vậy, ông H, ông Th, bà M; anh H, chị X là người thừa kế di sản của cụ P.
Theo Điều 636 Bộ luật Dân sự (sau đây viết tắt là BLDS) năm 1995 thời điểm mở thừa kế lần 1 - cụ C chết ngày 03/01/1995;
thời điểm mở thừa kế lần 2 - cụ P chết ngày 29/12/2002. Ngày 24/02/2010, bà M làm đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại nên theo Điều 648 BLDS sự năm 1995 thời hiệu khởi kiện yêu cầu phân chia di sản của cụ C đã hết. Do đó, không chia phần di sản của cụ C để lại cho những người thừa kế.
Điều 634 BLDS năm 1995 quy định:
Quyền thừa kế của cá nhân
Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Điều 635 BLDS năm 1995 quy định:
Quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân
Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Điều 636 BLDS năm 1995 quy định:
Thời điểm, địa điểm mở thừa kế
1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp Toà án tuyên bố một người là đã chết, thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.
2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng, thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ hoặc phần lớn di sản.
Điều 648 BLDS năm 1995 quy định:
Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế
Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Điều 680 BLDS năm 1995 quy định:
Thừa kế thế vị
Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản, thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng đã chết trước người để lại di sản, thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
* Về tính hợp pháp của bản di chúc cụ P lập ngày 11/7/1999
Cụ Bùi Văn P chết ngày 29/12/2002. Khi còn sống, ngày 11/7/1999 cụ Bùi Văn P đã lập 01 bản di chúc với nội dung: Chuyển quyền sử dụng nhà đất cho con trai của cụ là ông Bùi Văn T ở tại thôn GT, xã NT, huyện GL, thành phố H (từ năm 2004 là tổ 18, phường NT, quận LB, thành phố H). Bản di chúc này có nội dung:
“Tôi là Bùi Văn P, vợ là Hoàng Thị C có một thửa đất thổ cư diện tích 1396m2 trên thửa đất có 01 ngôi nhà xây cấp 4, nhà bếp, nhà tắm (theo bản đồ địa chính số 154 tờ số 4 của xã). Tôi thấy tuổi đã cao, các con đều đã trưởng thành… Để tạo điều kiện cho con trai tôi là Bùi Văn T được toàn quyền sử dụng phần tài sản của tôi trên thửa đất và sau này có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên. Nay trong tình trạng thể chất tinh thần minh mẫn, tôi làm di chúc này giao toàn quyền tài sản của tôi cho con trai là Bùi Văn T được toàn quyền sử dụng”.
Về hình thức của bản di chúc này, có chữ ký của cụ Bùi Văn P là người lập di chúc, có xác nhận của 02 người làm chứng, có xác nhận của UBND xã NT, huyện GL. Tuy nhiên, ông Bùi Văn T là người được hưởng phần tài sản của cụ Bùi Văn P theo di chúc trong số tài sản chung với cụ Hoàng Thị C là 1396m2 đất trên có nhà xây cấp 4 và một số công trình xây dựng khác, song ông Bùi Văn T lại chết vào ngày 20/5/2001, cụ P chết vào ngày 29/12/2002. Thời điểm mở thừa kế của ông T là ngày 20/5/2001, thời điểm mở thừa kế của cụ P là ngày 29/12/2002. Như vậy, người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc chết trước người để lại di sản nên theo quy định tại Điều 638 BLDS năm 1995 ông T không phải là người thừa kế theo di chúc của cụ P. Và vì vậy, di chúc của cụ Bùi Văn P lập ngày 11/7/1999 không có giá trị pháp lý. Do di chúc của cụ P không có hiệu lực pháp luật nên theo quy định tại Điều 678 BLDS năm 1995 phần di sản thừa kế của cụ Bùi Văn P để lại sẽ được chia theo pháp luật cho những người thừa kế.
Điều 638 BLDS năm 1995 quy định:
Người thừa kế
1. Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
2. Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc là cơ quan, tổ chức, thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Điều 678 BLDS năm 1995 quy định:
Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền hưởng di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền hưởng di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.
Hàng thừa kế thứ nhất của cụ Bùi Văn P bao gồm 4 người con đẻ của cụ P còn sống tại thời điểm viết di chúc: Ông Bùi Văn T, Bà Bùi Thị M , ông Bùi Văn Th, ông Bùi Văn H (ông Bùi Văn T chết năm 2001). Hai người con của ông T - anh Bùi Duy H, chị Bùi Thị X là thừa kế thế vị được hưởng tài sản thừa kế của cụ P.
* Về di sản thừa kế:
Về nguồn gốc nhà số 8 phố HĐ, quận HK, thành phố H và 1396 m2 đất trên đó xây dựng 1 ngôi nhà cấp 4, nhà tắm, nhà vệ sinh tại tổ 18 phường NT, quận LB, thành phố H.
- Đối với nhà số 8 phố HĐ, quận HK, thành phố H: Theo Công văn số 1941/TNMT và NĐ-CS ngày 30/3/2011 của Sở Tài nguyên, môi trường và nhà đất thì: Nhà số 8 HĐ, thành phố H trên thửa đất số 827 tờ bản đồ số 15, khu A nay bằng khoán điền thổ số 720, ĐX tên chủ sở hữu là ông Bùi Văn P và bà Hoàng Thị C trước bạ và đăng ký tại thành phố H ngày 29/5/1956.
Do nhà số 8 phố HĐ, thành phố H cho hộ gia đình khác ở thuê từ trước, vào năm 1992, cụ Bùi Văn P và cụ Hoàng Thị C đã uỷ quyền cho ông Bùi Văn H thay mặt 2 cụ để tiến hành các thủ tục pháp lý: Đòi nhà cho thuê. Theo Quyết định của bản án sơ thẩm số 02/DSST ngày 26/02/1993 của Toà án nhân dân quận HK và Bản án phúc thẩm số 79/DSPT ngày 29/5/1993 của Toà án nhân dân thành phố H đều xác định cụ Hoàng Thị C và cụ Bùi Văn P là đồng sở hữu nhà số 8 phố HĐ, thành phố H. Đồng thời, án tuyên buộc hộ gia đình đang ở thuê tại số nhà số 8 phố HĐ, thành phố H trả lại toàn bộ diện tích nhà đang thuê cho cụ P, cụ C do ông Bùi Văn H là đại diện. Bản án phúc thẩm đã được thi hành án xong và từ sau khi lấy lại nhà cụ P, cụ C, gia đình ông Bùi Văn H về sống tại số 8 HĐ, thành phố H. Cho đến năm 1998, thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc đăng ký kê khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà. Ngày 28/3/1998, ông Bùi Văn H đã làm đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với nhà số 8 HĐ, quận HK, thành phố H và ngày 19/3/2002, UBND thành phố H đã cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở số 1010519018 cho ông Bùi Văn H tại số 8 phố HĐ, thành phố H theo Quyết định số 1730/QĐ-UB ngày 19/3/2002. Cơ sở để UBND thành phố H ban hành Quyết định số 1730/QĐ-UB ngày 19/3/2002 về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với nhà số 8 phố HĐ, quận HK, thành phố H cho ông Bùi Văn H là dựa trên nội dung của văn bản uỷ quyền được lập ngày 12/6/1992 có nội dung: Ông Bùi Văn P, bà Hoàng Thị C uỷ quyền cho con trai là Bùi Văn H thay mặt tiến hành việc đòi nhà số 8 HĐ, thành phố H… và đứng tên trước bạ cho con trai tôi.
Như vậy, xét về phạm vi của việc cụ P, cụ C uỷ quyền cho ông Bùi Văn H là thực hiện hành vi tiến hành các thủ tục đòi nhà số 8 HĐ, thành phố H đồng thời chỉ là người đứng tên trong trước bạ nhà số 8 HĐ, thành phố H chứ giấy uỷ quyền này không thể hiện nội dung cụ P, cụ C cho (tặng) định đoạt nhà số 8 HĐ, thành phố H cho ông Bùi Văn H. Việc ông H đứng tên sở hữu nhà là không đúng vì thực chất là nhà số 8 phố HĐ, thành phố H vẫn thuộc quyền sở hữu của cụ P, cụ C. Do đó, xác định nhà số 8 phố HĐ là di sản của cụ C, cụ P để lại theo Điều 637 BLDS năm 1995.
Điều 637 BLDS năm 1995 quy định:
Di sản
1. Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
2. Quyền sử dụng đất cũng thuộc di sản thừa kế và được để lại thừa kế theo quy định tại Phần thứ năm của Bộ luật này.
- Đối với diện tích nhà đất tại tổ 18 phường NT, quận LB, thành phố H: Quá trình giải quyết vụ kiện tại Toà án các bên đương sự đều có lời khai xác nhận nguồn gốc diện tích 1396m2 đất, trên có nhà cấp 4 và nhà tắm, nhà vệ sinh là do cụ P, cụ C mua. Sau đó, cho vợ chồng ông T, bà Lương Thị AH về ở tại đây, hiện toàn bộ thửa đất này mang số thửa 87, tờ bản đồ số 4 đo vẽ năm 1993. Hiện bà Lương Thị AH và anh Bùi Duy H đang quản lý sử dụng. Bà AH, anh H cho rằng, phần di sản của cụ P thì cụ P đã lập di chúc cho ông Bùi Văn T nên đề nghị Toà án chia theo di chúc. Vấn đề này như phần trên đây đã nhận định, phân tích về di chúc của cụ Bùi Văn P là di chúc không có hiệu lực nên di sản thừa kế của cụ P được chia theo pháp luật.
Xác định di sản thừa kế của cụ P, cụ C là 2 khối tài sản: Nhà số 8 phố HĐ, thành phố H và diện tích 1396m2 nhà và đất tại tổ 18 phường NT, quận LB, thành phố H. Nay phía nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với 2 khối di sản trên của cụ P, cụ C.
Nhà số 8 phố HĐ mà ông H đang quản lý sử dụng theo biên bản định giá thì tổng cộng giá trị quyền sử dụng đất và giá trị xây dựng còn lại của nhà số 8 HĐ là di sản thừa kế của cụ P, cụ C tính thành tiền là: 12.150.000.000 đồng (giá trị quyền sử dụng đất) + 32.815.000 đồng (giá trị xây dựng còn lại) = 12.182.815.000 đồng.
Thời điểm mở thừa kế để chia di sản thừa kế của cụ C là năm 1995. Di sản thừa kế của cụ C để lại tại số 8 HĐ là 1/2 giá trị nhà số 8 phố HĐ - thành phố H thành tiền là: 12.182.815.000 đồng : 2 = 6.091.407.500 đồng. Tính đến thời điểm bà Bùi Thị M khởi kiện vụ án dân sự - Chia thừa kế là ngày 01/7/2010 thì thời hiệu để chia phần di sản thừa kế của cụ Hoàng Thị C đã hết thời hiệu. Bà M có yêu cầu: Đối với phần di sản của cụ C đề nghị Toà án chia tài sản chung theo quy định của Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình. Về yêu cầu này của bà M nhận thấy:
Theo quy định tại tiểu mục 2.4 Mục 1 Phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình hướng dẫn: “… Sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản thừa kế do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế…”.
Trong quá trình giải quyết vụ án tại Toà án: Ông H trình bày nhà số 8 phố HĐ, thành phố H đã được bố mẹ cho ông và ông không đồng ý chia, do vậy viện dẫn và áp dụng mục 2.4 điểm a của Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình thì yêu cầu chia tài sản chung đối với phần di sản thừa kế của cụ C của bà M không được thoả mãn với quy định của pháp luật.
Tiểu mục 2.4 Mục 1 Phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình:
2.4. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế
a) Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
a.1) Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.
a.2) Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.
a.3) Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
b) Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản.
Đối với phần di sản thừa kế của cụ P tại số 8 phố HĐ, thành phố H là 1/2 nhà tính thành tiền có giá trị là: 6.091.407.500 đồng. Thời điểm mở thừa kế để chia di sản của cụ P là năm 2002 và di sản thừa kế được chia theo pháp luật. Tuy nhiên, khi chia thừa kế đối với phần di sản thừa kế của cụ P, cũng cần xem xét đến công sức duy trì và bảo quản di sản cũng như quá trình vào năm 1992 ông H đã thay mặt cụ P, cụ C tiến hành các thủ tục đòi nhà cho thuê và từ sau khi cụ P, cụ C mất đi, ông đã quản lý di sản trong nhiều năm; vì vậy trích 01 kỷ phần thừa kế cho ông H về công sức đi đòi nhà và bảo quản di sản thừa kế là phù hợp. Theo quy định tại Điều 679 BLDS năm 1995 thì hàng thừa kế thứ nhất của cụ P gồm: 03 người con đẻ còn sống tại thời điểm mở thừa kế và 02 người cháu là thừa kế thế vị: ông Bùi Văn H, ông Bùi văn Th, Bà Bùi Thị M và anh Bùi Duy H, chị Bùi Thị X (01 kỷ phần thừa kế thế vị của ông T).
Xác định di sản thừa kế của cụ P có tổng giá trị thành tiền là 6.091.407.500 đồng và chia 4 kỷ phần + 01 kỷ phần trích trừ công sức cho ông H, chia toàn bộ hiện vật nhà số 8 phố HĐ cho ông H sở hữu. Tổng di sản 6.091.407.500 đồng : 5. Như vậy, mỗi kỷ phần thừa kế của cụ P được hưởng di sản thừa kế tính thành tiền là 6.091.407.500 đồng : 5. Riêng ông Bùi Văn H được nhận một kỷ phần thừa kế và một suất công sức quản lý, bảo quản di sản.
Chia toàn bộ bằng hiện vật phần di sản thừa kế của cụ P cho ông Bùi Văn H được hưởng và ông Bùi Văn H, có nghĩa vụ thanh toán lại giá trị bằng tiền cho các đồng thừa kế khác. Phần di sản hết thời hiệu chia thừa kế của cụ C Tòa án không chia cho những người thừa kế.
Điều 679 BLDS năm 1995 quy định:
Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng thừa kế hoặc từ chối nhận di sản.
Đối với di sản thừa kế tại tổ 18 NT, quận LB, thành phố H do bà Lương Thị AH, anh Bùi Duy H đang quản lý. Theo biên bản định giá 1396 m2 đất cùng các công trình xây dựng trên đất thì tổng di sản tính thành tiền gồm giá trị quyền sử dụng đất và giá trị xây dựng còn lại thuộc di sản thừa kế là 6.994.368.000 đồng.
Thời điểm mở thừa kế để phân chia di sản thừa kế của cụ C là năm 1995 di sản của cụ C gồm 1/2 quyền sử dụng đất là 698m2 đất, tính di sản thành tiền là: 3.497.184.000 đồng (gồm cả giá trị quyền sử dụng đất và giá trị xây dựng). Như trên đã nhận định, thời hiệu để phân chia di sản thừa kế của cụ C đã hết thời hiệu chia thừa kế, phía nguyên đơn yêu cầu phân chia tài sản chung thì cũng không thoả mãn những quy định tại mục 2.4 điểm a của Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình.
Đối với phần di sản thừa kế của cụ P tại tổ 18 phường NT, quận LB là 1/2 diện tích quyền sử dụng đất và 1/2 giá trị xây dựng, cụ thể là 698m2 quyền sử dụng đất tính thành tiền có giá trị là: 3.497.184.000 đồng (bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất và giá trị xây dựng). Cụ P chết năm 2002, đây là thời điểm mở thừa kế để chia di sản thừa kế của cụ P, di sản được chia theo pháp luật. Theo quy định tại Điều 679 BLDS năm 1995 thì hàng thừa kế thứ nhất của cụ P gồm: 03 người con đẻ của cụ và 02 cháu nội (con ông T là thừa kế thế vị). Tuy nhiên, khi chia thừa kế đối với di sản thừa kế của cụ P, cũng cần xem xét đến công sức duy trì, quản lý khối di sản của bà Lương Thị AH, anh Bùi Duy H, chị Bùi Thị X là những người đã trực tiếp duy trì, bảo quản di sản và có công sức tôn tạo tại đây nên trích chia tương đương với 01 kỷ phần cho những người này. Như vậy, di sản thừa kế của cụ P sẽ được chia làm 5 suất (riêng anh H, chị X, bà AH được thêm 01 suất) chia cụ thể: mỗi kỷ phần thừa kế được nhận di sản tính thành tiền là: 3.497.184.000 đồng : 04 kỷ phần + 1 kỷ phần tính công sức. Ông Th, ông H, bà M mỗi người được nhận 01 kỷ phần. Chị X, anh H được nhận 01 kỷ phần thừa kế. Chị X, anh H, bà AH được nhận 01 kỷ phần tính công sức.
Từ những phân tích trên đây, vụ việc có thể giải quyết như sau:
1. Chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của bà Bùi Thị M đối với di sản thừa kế tại số 8 HĐ, thành phố H và tổ 18 phường NT, quận LB, thành phố H (do bà Lương Thị AH, anh Bùi Duy H đang quản lý).
2. Xác nhận nhà số 8 HĐ, thành phố H và diện tích 1396m2 đất trên có nhà cấp 4 tại tổ 18 phường NT, quận LB, thành phố H là di sản thừa kế của cụ Bùi Văn P và cụ Hoàng Thị C để lại.
3. Xác định di sản thừa kế của cụ Bùi Văn P gồm: 1/2 giá trị đất và giá trị xây dựng còn lại của nhà số 8 HĐ, thành phố H và diện tích 1396m2 đất trên có nhà cấp 4 tại tổ 18 phường NT, quận LB, thành phố H được chia cho các thừa kế của cụ P.
4. Xác định di chúc của cụ Bùi Văn P lập ngày 11/7/1991 không có hiệu lực pháp luật. Toàn bộ di sản thừa kế của cụ Bùi Văn P được chia theo pháp luật.
Chúng tôi trên mạng xã hội