Trả lời:
1- Đất phi nông nghiệp là gì?
Điều 13 Luật Đất đai năm 2003 quy định: Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm: Đất ở (tại nông thôn, đô thị) ; Đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp; Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; Đất sản xuất kinh doanh; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông, thủy lợi; đất xây dựng các công trình văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, thể dục thể thao phục vụ lợi ích công cộng; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh; đất sử dụng các công trình công cộng khác theo quy định của Chính phủ; Đất do các cơ sở tôn giáo sử dụng; Đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa; Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng.
2- Loại đất phi nông nghiệp nào phải chịu thuế?
Điều 1 Thông tư 153/2011/TT-BTC quy định cụ thể về đối tượng chịu thuế:
Đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị quy định tại Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm: Đất xây dựng khu công nghiệp bao gồm đất để xây dựng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu sản xuất, kinh doanh tập trung khác có cùng chế độ sử dụng đất; Đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh bao gồm đất để xây dựng cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ và các công trình khác phục vụ cho sản xuất, kinh doanh (kể cả đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghệ cao, khu kinh tế); Đất để khai thác khoáng sản, đất làm mặt bằng chế biến khoáng sản, trừ trường hợp khai thác khoáng sản mà không ảnh hưởng đến lớp đất mặt hoặc mặt đất; Đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm bao gồm đất để khai thác nguyên liệu và đất làm mặt bằng chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm;
Đất phi nông nghiệp không phải chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích kinh doanh.
3- Những loại đất nào không phải chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp?
Điều 3 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp quy định đối tượng không phải chịu thuế là các loại đất phi nông nghiệp không sử dụng vào mục đích kinh doanh, bao gồm: Đất sử dụng vào mục đích công cộng như: đất giao thông, thủy lợi; đất xây dựng công trình văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao phục vụ lợi ích công cộng; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất xây dựng công trình công cộng khác theo quy định của Chính phủ; Đất do cơ sở tôn giáo sử dụng; Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa; Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng; Đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; Đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; Đất phi nông nghiệp khác theo quy định của pháp luật.
4- Ai là người nộp thuế?
Điều 4 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp quy định: tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người đang sử dụng đất là người phải nộp thuế.
Ngoài ra còn quy định Người nộp thuế trong một số trường hợp cụ thể như: Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì người thuê đất ở là người phải nộp thuế; Trường hợp người có quyền sử dụng đất cho thuê đất theo hợp đồng thì Người nộp thuế được xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng; Trường hợp trong hợp đồng không có thỏa thuận về ai là người nộp thuế thì người có quyền sử dụng đất là người phải nộp thuế; Trường hợp đất đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng đang có tranh chấp thì trước khi tranh chấp được giải quyết, người đang sử dụng đất là người nộp thuế. Việc nộp thuế không phải là căn cứ để giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất; Trường hợp nhiều người cùng có quyền sử dụng một thửa đất thì Người nộp thuế là người đại diện hợp pháp của những người cùng có quyền sử dụng thửa đất đó; Trường hợp người có quyền sử dụng đất góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất mà hình thành pháp nhân mới có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế thì pháp nhân mới là người nộp thuế.
5- Người sử dụng đất phi nông nghiệp được miễn thuế trong những trường hợp nào?
Căn cứ Điều 9 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Điều 8 Nghị định số 53/2011/NĐ-CP ngày 01/07/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì người sử dụng đất phi nông nghiệp được miễn thuế trong những trường hợp sau: Đất của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đất của doanh nghiệp sử dụng trên 50% số lao động là thương binh, bệnh binh. Danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư, lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư; Đất của cơ sở thực hiện xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Các cơ sở này phải đáp ứng các quy định về loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở sở thực hiện xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Đất xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, cơ sở nuôi dưỡng người già cô đơn, người khuyết tật, trẻ mồ côi; cơ sở chữa bệnh xã hội; Đất ở trong hạn mức tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư; Đất ở trong hạn mức của người hoạt động cách mạng trước ngày 19/8/1945; thương binh hạng 1/4, 2/4; người hưởng chính sách như thương binh hạng 1/4, 2/4; bệnh binh hạng 1/3; anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; mẹ Việt Nam anh hùng; cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn nhỏ; vợ, chồng của liệt sĩ; con của liệt sĩ được hưởng trợ cấp hàng tháng; người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc da cam; người bị nhiễm chất độc da cam mà hoàn cảnh gia đình khó khăn; Đất ở trong hạn mức của hộ nghèo theo quy định của Chính phủ. Việc xác định hộ nghèo được miễn thuế căn cứ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn hộ nghèo. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quy định cụ thể chuẩn hộ nghèo áp dụng tại địa phương theo quy định của pháp luật thì căn cứ vào chuẩn hộ nghèo do địa phương ban hành để xác định hộ nghèo, hộ gia đình, cá nhân trong năm bị thu hồi đất ở theo quy hoạch, kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được miễn thuế trong năm thực tế có thu hồi đối với đất tại nơi bị thu hồi và đất tại nơi ở mới; Đất có nhà vườn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận là di tích lịch sử - văn hóa; Người nộp thuế gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng nếu giá trị thiệt hại về đất và nhà trên đất trên 50% giá tính thuế.
6- Trường hợp nào được giảm thuế và mức thuế được giảm là bao nhiêu?
Điều 10 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp quy định: Giảm 50% số thuế phải nộp trong các trường hợp sau: Đất của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đất của doanh nghiệp sử dụng từ 20% đến 50% số lao động là thương binh, bệnh binh; Đất ở trong hạn mức tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; Đất ở trong hạn mức của thương binh hạng 3/4, 4/4; người hưởng chính sách như thương binh hạng 3/4, 4/4; bệnh binh hạng 2/3, 3/3; con của liệt sỹ không được hưởng trợ cấp hàng tháng; Người nộp thuế gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng nếu giá trị thiệt hại về đất và nhà trên đất từ 20% đến 50% giá tính thuế.
Người nộp thuế có hai (2) trường hợp được giảm thuế nêu trên trở lên thì được miễn thuế. Trường hợp hộ gia đình thuộc diện được giảm 50% thuế và trong hộ gia đình có thêm một (01) thành viên trở lên thuộc diện được giảm 50% thuế thì hộ gia đình đó được miễn thuế. Các thành viên này phải có quan hệ gia đình với nhau là ông, bà, bố, mẹ, con, cháu và phải có tên trong hộ khẩu thường trú của gia đình (nội dung này được quy định tại Điều 9 Thông tư 153/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 của Bộ Tài chính).
7- Thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế ở đâu?
Thực hiện tại cơ quan Thuế cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã (nếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn). Trường hợp có quyền sử dụng nhiều thửa đất trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người nộp thuế lập tờ khai tổng hợp theo mẫu quy định để xác định tổng diện tích đất ở sử dụng và số thuế đã nộp, gửi cơ quan thuế nơi người nộp thuế đã lựa chọn để xác định hạn mức đất ở để nộp phần chệnh lệch giữa số thuế phải nộp và số thuế đã nộp.
8- Hồ sơ đăng ký, kê khai, nộp thuế?
Người nộp thuế được cấp mã số thuế để sử dụng cho việc khai thuế, nộp thuế. Trường hợp người nộp thuế đã được cấp mã số thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành (theo các sắc thuế khác) thì được tiếp tục sử dụng mã số thuế đã có để thực hiện nghĩa vụ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, không phải đăng ký để được cấp mã số thuế mới.
Trường hợp người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân thì thực hiện việc đăng ký, khai thuế và nộp thuế tại Ủy ban nhân dân xã, trong đó: Việc khai thuế chỉ thực hiện 01 lần (lần đầu tiên), nếu không có sự thay đổi các yếu tố tính thuế dẫn đến thay đổi số thuế phải nộp thì người nộp thuế không phải khai lại hàng năm. Cơ quan thuế tính và thông báo số thuế phải nộp cho người nộp thuế.
Hồ sơ đăng ký cấp mã số thuế gồm: Tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo mẫu số 01/TK-SDDPNN ban hành kèm theo Thông tư 153/2011/TT-BTC; Bản chụp chứng minh thư nhân dân hoặc chứng minh thư quân đội hoặc hộ chiếu (đối với người nước ngoài).
Hồ sơ khai thuế gồm: Tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho từng thửa đất chịu thuế theo mẫu số 01/TK-SDDPNN áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân hoặc mẫu số 02/TK-SDDPNN áp dụng cho tổ chức, ban hành kèm theo Thông tư 153/2011/TT-BTC; Bản chụp các giấy tờ liên quan đến thửa đất chịu thuế như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Quyết định giao đất, Quyết định hoặc Hợp đồng cho thuê đất, Quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Bản chụp các giấy tờ chứng minh thuộc diện được miễn, giảm thuế (nếu có).
Đối với trường hợp khai tổng hợp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (chỉ áp dụng đối với đất ở), hồ sơ gồm: Tờ khai tổng hợp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp mẫu số 03/TKTH- SDĐPNN ban hành kèm theo Thông tư 153/2011/TT-BTC; Người nộp thuế được lựa chọn một nơi có thửa đất ở vượt hạn mức để xác định diện tích vượt hạn mức của các thửa đất.
Chậm nhất là ngày 31/3 năm dương lịch tiếp theo, người nộp thuế lập tờ khai tổng hợp gửi cơ quan thuế nơi người nộp thuế đã lựa chọn để xác định hạn mức đất ở để nộp phần chênh lệch giữa số thuế phải nộp theo quy định của Luật và số thuế đã nộp.
9- Người nộp thuế cần thực hiện những nguyên tắc gì khi khai thuế?
Người nộp thuế có trách nhiệm khai chính xác vào Tờ khai thuế các thông tin có liên quan đến người nộp thuế, các thông tin có liên quan đến thửa đất chịu thuế như diện tích, mục đích sử dụng… Nếu đất đã được cấp Giấy chứng nhận thì phải khai đầy đủ các thông tin trên Giấy chứng nhận như số, ngày cấp, số tờ bản đồ, diện tích đất, hạn mức (nếu có).
Đối với hồ sơ khai thuế đất ở của hộ gia đình, cá nhân, Ủy ban nhân dân cấp xã xác định các chỉ tiêu tại phần xác định của cơ quan chức năng trên tờ khai và chuyển cho Chi cục Thuế để làm căn cứ tính thuế.
Đối với hồ sơ khai thuế của tổ chức, trường hợp cần làm rõ một số chỉ tiêu liên quan làm căn cứ tính thuế theo đề nghị của cơ quan thuế, cơ quan Tài nguyên môi trường có trách nhiệm xác nhận và gửi cơ quan thuế.
Hàng năm, người nộp thuế không phải khai lại nếu không có sự thay đổi các thông tin dẫn đến thay đổi số thuế phải nộp.
10- Thời hạn nộp thuế?
Thời hạn nộp tiền thuế hàng năm chậm nhất là ngày 31/12. Người nộp thuế được quyền lựa chọn nộp thuế 1 lần hoặc 2 lần trong năm và phải hoàn thành nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày 31/12 hàng năm.
Trường hợp trong chu kỳ ổn định5 năm mà người nộp thuế đề nghị được nộp thuế 1 lần cho nhiều năm thì thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm đề nghị.
Trường hợp người nộp thuế có nhiều thửa đất ở vượt hạn mức thì phải làm thủ tục khai tổng hợp để tự xác định số thuế phải nộp bổ sung, thời hạn chậm nhất là ngày 31 tháng 3 năm sau./.